Từng phải trải qua nhiều cú sốc lớn khi chồng và hai đứa con đều qua đời đột ngột vì tai nạn giao thông nhưng bà Hiệp vẫn gắng gượng để chăm lo cho đàn cháu mồ côi lại khuyết tật trong cảnh khó khăn, thiếu thốn.
3 lần đội tang chồng con vì tai nạn giao thông
Vừa đi cấy về, người còn lấm bùn đất nhưng nghe tiếng cháu ngoại ngồi trong nhà than đau nhức chân, bà Nguyễn Thị Hiệp (66 tuổi, trú xóm 6, xã Quỳnh Hậu, huyện Quỳnh Lưu, tỉnh Nghệ An) chỉ kịp rửa vội chân tay rồi chạy vào hỏi han, khuôn mặt lộ rõ sự lo lắng. Đôi tay chai sạn của bà liên tục xoa bóp bàn chân co quắp, yếu ớt của đứa cháu bất hạnh như để xoa dịu đau đớn.
Vừa động viên cháu, bà Hiệp vừa kể lại cuộc đời cay nghiệt của mình trong nước mắt khi lần lượt chứng kiến chồng và hai đứa con lần lượt ra đi đột ngột vì tai nạn giao thông. Với người phụ nữ này, đó là nỗi ám ảnh mà đến cuối đời bà cũng chẳng thể nào quên được.
13 năm trước, trên đường đi làm về, con trai út của bà là Hồ Văn Thiệu không may bị tai nạn giao thông. Dù được đưa đi cấp cứu kịp thời nhưng anh cũng không qua khỏi.
“Con trai tôi qua đời khi vừa 21 tuổi. Nó mới cưới vợ được 2 năm, đứa con thơ mới vừa 6 tháng tuổi. Thời điểm con trai qua đời, con dâu tôi phát hiện đang mang thai đứa thứ 2 trong bụng. Chưa kịp lớn, hai đứa cháu nội của tôi mồ côi bố”, bà Hiệp nhớ lại.
7 năm sau, nỗi đau mất con vừa nguôi thì tai họa lại ập xuống. Con gái lớn của bà là chị Hồ Thị Nghiệm lại ra đi đột ngột vì tai nạn. Trên đường chở con đi khám bệnh về, chiếc xe máy do chị Nghiệm điều khiển bất ngờ bị xe tải tông phải. Cú tông mạnh khiến chị Nghiệm tử vong tại chỗ. Bé Phúc (con trai chị Nghiệm) may mắn chỉ bị thương nhẹ.
17 ngày trước, đang làm ngoài đồng thì bà Hiệp một lần nữa ngã quỵ khi nhận được thông tin chồng bà là ông Hồ Văn Tín bị tai nạn giao thông. Được người dân dìu về đến nhà nhưng bà cũng chẳng còn cơ hội gặp chồng lần cuối.
“Nếu không vay được tiền, cháu sẽ bị liệt phải không bà?”
Hướng đôi mắt đượm buồn, nhòe lệ nhìn về phía cháu ngoại khuyết tật, đang cố dựa vào tường để lết đi một cách khó khăn, bà Hiệp cho biết, đó là cháu Hồ Đức Phúc (14 tuổi) đứa con duy nhất của chị Nghiệm – người con gái xấu số của bà đã qua đời trong vụ tai nạn giao thông vào 8 năm trước.
Duyên phận run rủi khiến chị Nghiệm đem lòng yêu lầm người đàn ông đã có gia đình mà không hề hay biết. Khi sự thật phơi bày thì cái thai cũng lớn dần trong bụng. Chị Nghiệm quyết định chia tay trong đau đớn và chấp nhận làm mẹ đơn thân. Bé Phúc chào đời trong hoàn cảnh bất hạnh như thế, không có cha, mang họ mẹ.
Năm Phúc lên 4 tuổi, một cơn sốt cao biến chứng khiến đôi chân của Phúc tê liệt dần, co quắp, đứng lên ngồi xuống, di chuyển khó khăn.
“Trên đường đưa con khi khám bệnh về thì con gái tôi gặp nạn, ra đi khi cháu Phúc vừa lên 6 tuổi. Thương lắm, cháu tôi đã không có bố lại mồ côi mẹ, đi lại không vững, bất hạnh không ai bằng”, bà Hiệp xót xa.
Mẹ mất, bố cũng không biết ở đâu mà tìm, Phúc được ông bà ngoại cưu mang. Dù đi lại khó khăn nhưng Phúc rất ham học. Đến nay, em đang học lớp 8 ở trường làng. Hàng ngày, Phúc được ông ngoại đưa đón đi học. Từ ngày ông mất, bà Hiệp sức khỏe yếu nên việc dìu cháu lên xuống xe đạp trở nên khó khăn.
Kinh tế gia đình phụ thuộc vào 2 sào ruộng cùng số tiền trợ cấp gần 500 nghìn đồng hàng tháng Phúc nhận được. Để có tiền trang trải cuộc sống, bà Hiệp chăn nuôi thêm đàn gà, con vịt, ao trước nhà thả cá. Thế nhưng, cật lực, lam lũ mãi vẫn không có tiền đưa cháu đi bệnh viện chữa trị.
Càng lớn, bệnh của Phúc càng trở nặng. Nhìn cháu ngày đêm than khóc vì những cơn đau liên tiếp hành hạ, bà Hiệp chỉ biết bất lực ôm cháu khóc theo. Bác sĩ cho biết, nếu không chữa trị, chỉ một thời gian ngắn nữa đôi chân của Phúc sẽ liệt hoàn toàn, chỉ ngồi một chỗ. Hoàn cảnh khó khăn, già yếu, bà không biết nhìn đâu vay mượn để chữa trị cho cháu.
Nghe bà nói, Phúc ngước khuôn mặt đầy lo lắng hỏi bà: “Nếu không vay được tiền đi bệnh viện chữa bệnh thì chân cháu sẽ bị liệt hả bà? Nếu như vậy thì cháu sẽ không đi học được nữa phải không?
Cháu ước được đi lại bình thường như các bạn để sau này đi làm kiếm tiền chăm sóc bà và đi tìm bố”.
Nghe từng lời cháu ngoại nói, bà Hiệp chỉ biết khóc nghẹn cầu xin: “Cầu xin mọi người thương tình giúp đỡ, cứu lấy đôi chân cho cháu. Cuộc đời nó đã chịu quá nhiều thiệt thòi, bất hạnh rồi. Mẹ nó không còn, nó chỉ ước có đôi chân khỏe mạnh để đi tìm bố. Nhìn nó thế này, tôi làm sao yên lòng nhắm mắt”.
Không cha, mồ côi mẹ, đôi chân khuyết tật, hoàn cảnh khó khăn, số phận của Phúc đang rất cần sự chung tay, giúp đỡ của mọi người.