Mở lì xì thấy 10 đôla, họ hàng trách móc: Việt kiều mà mừng tuổi có nhiêu đó thôi hả?

Chỉ còn ít ngày nữa thôi là đến Tết rồi, khiến tôi nhớ lại câu chuyện về Việt Nam ăn Tết năm xưa. Chỉ vì lì xì 10 đôla mà bị mọi người nói ra nói vào suốt thời gian dài, để rồi mang tiếng keo kiệt với họ hàng.

Bữa trước tôi có đọc được bài viết của một bạn trong nhóm Việt kiều đang sinh sống tại Châu u. Bạn dự định năm nay sẽ về quê ăn Tết, tính sương sương chi phí đi lại đã gần hết 100 triệu rồi, chưa kể quà cáp nọ kia. Thế nhưng điều mà bạn băn khoăn nhất đó là “lì xì họ hàng bao nhiêu là hợp lý”.

Quan điểm của tôi là không phải Việt kiều nào cũng dư dả, họ ở bên này cũng phải vật lộn mưu sinh mới đủ trang trải cuộc sống, may ra gặp thời mới phất lên mà thôi. Vậy nên Việt kiều cũng là người bình thường, không có trách nhiệm phải ban phát tiền cho mọi người, kể cả người thân họ hàng. Biếu tặng bao nhiêu là tùy tâm mỗi người.

Cách đây 3 năm tôi cũng mang danh Việt kiều Mỹ về quê ăn Tết, và bản thân tôi đã có một kỷ niệm không mấy vui vẻ khi trở về quê nhà. Từ đó đến nay đã ba năm rồi tôi không về Việt Nam ăn Tết lần nào nữa.

Cụ thể là họ nhà tôi có một ông bác sống ở California mấy chục năm nay. Học xong cấp ba tôi có thi đậu một trường đại học trên Sài Gòn, thế nhưng bác lại góp ý với bố mẹ cho tôi sang bển làm. Kiểu gì vài năm cũng có của để ra chứ học đại học vừa tốn kém mà không có cơ cánh thì cũng khó xin được việc ngon.Vậy là học xong cấp 3, tôi theo bác sang Cali.

Thời gian đầu sang Cali, tôi ở nhà bác nhưng sau đó vì bất tiện quá nên tôi đã xin ra ở riêng. Kiếm tiền ở nước ngoài thật ra không dễ như mọi người vẫn tưởng, nhất là các nước Châu u lại càng khó hơn. Ở Mỹ cái gì cũng đắt đỏ, mà bang California dù việc làm không thiếu nhưng tiền làm ra cũng chỉ đủ ăn đủ tiêu.

Năm đầu tiên tôi sang bên đó cũng chỉ xem như là làm quen với môi trường sống, tiền kiếm được lại không mấy dư dả mà có bao nhiêu thì đã gửi về cho bố mẹ để trả nợ chi phí lo cho tôi sang đây rồi. Đến năm thứ hai thì cuộc sống cũng dần ổn định hơn, tôi xin được vào làm ở trang trại, ông chủ ở đấy cũng rất hào sảng.

Tôi cũng dự định đi mấy năm cho có đồng ra đồng vào rồi mới về quê, nhưng Tết bác tôi cứ giục về đi có gì tiền vé bác lo. Vả lại ở nhà bố mẹ cũng nhớ con, nên cuối cùng sau 2 năm sang bển, tôi đã được đón Tết tại nhà.

Vừa bước xuống sân bay tôi đã thấy bố mẹ và họ hàng hai tới đón, tính sơ sơ phải hơn chục người khiến tôi bối rối vô cùng. Đến khi về nhà lại thấy bày biện cả chục mâm để mừng tôi trở về quê. Lâu lâu mới có dịp về quê nên tôi cũng chuẩn bị sẵn 20 lọ thực phẩm chức năng để tặng các bác các cậu tuổi cao, còn mấy bọn nhóc thì gần 30 gói bánh kẹo đủ loại.

Sáng mùng một cả họ sang nhà tôi chúc Tết, tôi cũng chuẩn bị sẵn gần 30 lì xì để tặng cho mọi người từ già đến trẻ. Khi nhận được lì xì ai cũng tươi cười phấn khởi, đến khi đứa cháu tôi bóc lì ra thấy tiền đô nên mới khoe với mẹ nó. Thím hai cầm tiền trên tay đếm đi đếm lại có 10 đô, thấy vậy mặt thím tái lại rồi nói câu xanh rờn: “Ủa, Việt kiều về nước mà lì xì có nhiêu đó thôi hả con, cậu Hai lần nào về cũng biếu mọi người toàn 100 đô thôi”. Thấy vậy họ hàng bắt đầu xì xầm và lời ra tiếng vào chuyện lì xì của tôi đến mấy ngày sau Tết.

Bản thân tôi lúc quá bẽ bàng nên cứng họng chẳng nói được câu gì. Đến khi mọi người về hết mới quay sang khóc với mẹ. Cứ tưởng mọi người nồng nhiệt đón tôi về nhà vì nhớ cháu, ai dè họ hồ hổi vì nghĩ sẽ được tiền lì xì như của bác Hai mà thôi. Bây giờ tôi mới hiểu sao bữa trước qua nhà bác ăn cơm, khi nói chuyện về quê hai bác lại thở dài. Nếu chẳng phải vì bà nội bệnh nặng, chắc bác cũng chẳng về đâu.

Tôi nhận ra rằng rất nhiều người mặc định cái mác Việt kiều là giàu có, thế nên mỗi lần về quê phải lễ lạt đầy đủ. Đây cũng là vấn đề ái ngại của nhiều bạn khi về quê ăn Tết, giống hệt như trường hợp bạn du học sinh.

Ngay cả những người thân thích trong họ hàng, họ cũng hiển nhiên nghĩ rằng sống ở nước ngoài giàu có và kiếm tiền dễ. Nhưng không phải ai cũng gặp may mắn như vậy, Việt kiều thì cũng có người này người kia. Có người phất lên do gặp chủ tốt bụng, có người thậm chí còn bị chủ đánh đập vì vấn nạn phân biệt màu da.

Năm hết Tết đến rồi, tôi hy vọng mọi người hãy có cái nhìn thoáng hơn. Đừng nghĩ rằng Việt kiều là lắm tiền, rồi mặc định cho họ phải biếu xén xông xênh. Việc biếu tặng là tùy tâm, quan trọng là tình cảm chứ đâu phải vì một triệu, hai triệu. Đừng vì điều này mà gây khó xử và làm tổn thương đến những người con Việt kiều mong mỏi được về quê hương.

Chia sẻ bài viết:

Theo Copy link

Link bài gốc

Copy Link