Làm thế nào để có thể cảm thấy thoải mái trong chính ngôi nhà của mình?

Khi nhắc tới gia đình, ta thường nghĩ ngay tới “nơi bão dừng sau cửa”, là chốn đầy yêu thương với bố mẹ và anh em ruột thịt. Tuy nhiên, không phải cứ yêu thương nhau thì chúng ta sẽ sẵn sàng thoải mái với nhau.

Không ít gia đình không khí trong nhà lúc nào cũng căng thẳng, và những thành viên không biết cách quản lý cảm xúc của mình gần như phát điên bởi sự bức bối, khó chịu. Càng là gia đình, càng sống chung một nhà, chúng ta càng khó để thoải mái hơn. Những suy nghĩ muốn nói ra nhưng lại vì rào cản mang tên “gia đình” nên phải nén lại, tích tụ thành những cảm xúc tiêu cực từ lúc nào không hay.

Vậy, tại sao rất nhiều người luôn cảm thấy cô đơn trong chính ngôi nhà của mình? Và phải làm sao để cảm thấy thoải mái giữa những người thân ruột thịt?

Một mối quan hệ gia đình thoải mái đôi khi lại vô cùng xa xỉ

Khi được hỏi, rất nhiều bạn đã chẳng ngần ngại mà khẳng định như vậy. Điều đáng nói ở đây là, những cảm xúc không tự nhiên nhất dường như lại cách các bạn đang thể hiện ra trước mặt những người mà các bạn tự nhận là bố mẹ, hay anh em ruột thịt.

Đối với những gia đình không khí lúc nào cũng căng thẳng, những thành viên trong gia đình luôn sống trong trạng thái mệt mỏi và không thể tìm được tiếng nói chung. Lâu dần, cãi vả nổ ra và càng lúc càng trở nên gay gắt. Dù chỉ là những vấn đề nhỏ nhặt, nhưng vì không ai chịu nhường ai nên nó trở nên to tát, không thể hòa giải.

Tổn thương nhất có lẽ là những đứa trẻ khi phải sống trong môi trường như vậy, tạo nên những bóng đen tâm lý không thể xóa nhòa.

Lúc này, sự hòa thuận, hạnh phúc gia đình đứng trước bờ vực của sự đổ vỡ. Và bởi vì không thoải mái với nhau nên tình trạng căng thẳng mãi không được giải quyết.

Vậy, làm thế nào để có thể thoải mái để nói ra những điều muốn nói, hay nói chính xác là cách để giải quyết những mâu thuẫn đang tích tụ trong chính gia đình bạn?

1. Thay đổi cách suy nghĩ

Chính những suy nghĩ tiêu cực là nguyên nhân gây nên sự không thoải mái giữa các thành viên trong gia đình. Bởi vậy, nếu muốn phá vợ sự không thoải mái đó, các thành viên bắt buộc phải tự mình thay đổi cách suy nghĩ.

Thử lấy một ví dụ đơn giản thế này. Hôm nay, trong bữa ăn, con bạn không may đã làm vỡ một cái bát.

Lúc này, rất nhiều cha mẹ theo bản năng sẽ cảm thấy bực tức, và gần như ngay lập tức quy kết cho đứa trẻ tội bất cẩn, vô dụng. Sự tức giận sẽ có nguy cơ bị đẩy lên đỉnh điểm nếu đứa trẻ lại vô tình làm vỡ cái bát thứ 2 trong lúc đùa nghịch.

Nếu xét về hành động của cha mẹ lúc này thì phần lớn sẽ la mắng, thậm chí phạt roi con. Một bộ phận nhỏ khác sẽ không làm như vậy. Họ không la mắng, đánh đòn, nhưng từ trong suy nghĩ họ vẫn đinh ninh rằng con của họ là một đứa trẻ không ngoan.

Thực ra, nếu cha mẹ có thể thay đổi được suy nghĩ của mình từ khoảnh khắc con làm rơi cái bát thứ nhất thì có lẽ họ sẽ hành động khác, và không khí bữa ăn cũng sẽ không trở nên nặng nề.

Lúc này, thay vì nghĩ đứa trẻ vô dụng, có cái bát cũng cầm không vững, cha mẹ có thể nghĩ rằng đó chỉ là do con vụng về mà thôi. Nếu cha mẹ thay đổi được sang cách suy nghĩ như vậy, họ sẽ nhanh chóng giúp con thu dọn những mảnh vỡ và vui vẻ tiếp tục bữa ăn.

2. Giao tiếp hòa bình

Trong cuộc sống, chúng ta thường có xu hướng nói những điều tốt đẹp, tử tế với người ngoài, nhưng lại luôn dành những lời cáu bẳn, dễ gây tổn thương với những người thân trong gia đình.

Tại sao lại như vậy?

Có nhiều cách giải thích cho điều này nhưng có lẽ cách giải thích đơn giản và hợp lý nhất đó là sở dĩ ta nói lời hay với người ngoài là bởi vì ta muốn làm họ vui để đạt được mục đích nào đó. Và ngược lại, ta lại không có lý do để làm hài lòng những người thân trong gia đình nên chẳng việc gì phải nói lời hay, ý đẹp.

Trong việc giáo dục con cái, cha mẹ luôn nghĩ rằng mình là bề trên nên có quyền “trịch thượng” trong cách giao tiếp với con, mà không hề biết rằng điều đó chỉ càng khiến khoảng cách giữa cha mẹ và con cái trở nên xa hơn mà thôi.

Chính vì vậy, hòa bình trong giao tiếp chính là chìa khóa giúp không khí gia đình đang căng thẳng trở nên thoải mái hơn.

3. Học cách quản lý cảm xúc

Hẳn bạn đã từng nghe tới thuật ngữ “hiệu ứng domino”?

Hiệu ứng domino là một phản ứng chuỗi xảy ra khi một thay đổi nhỏ tại điểm gốc của hệ có thể gây ra những thay đổi tương tự tại các điểm lân cận, từ đó lan tỏa ra các điểm xa hơn và tạo ra một chuỗi thay đổi tuyến tính.

Nói cho dễ hiểu, nếu cảm xúc của bạn đang tiêu cực thì sẽ rất dễ kéo theo những hành vi tiêu cực. Chính vì vậy, để hiệu ứng domino không xảy ra, bạn cần biết cách quản lý cảm xúc của mình.

Trong một mối quan hệ gia đình, điều này lại càng đặc biệt quan trọng. Vì nếu không điều khiển được cảm xúc của bản thân, bạn sẽ rất dễ để thứ cảm xúc đó điều khiển lại. Nếu cảm xúc tích cực sẽ không sao, nhưng nếu là tiêu cực, nó rất dễ gây nên sự bất hòa và căng thẳng trong gia đình bạn đấy.

Nói đi cũng phải nói lại, dù bạn có đang không cảm thấy thoải mái trong chính ngôi nhà của mình thì đó vẫn là gia đình của bạn, mà đã là gia đình thì không thể từ đó. Bởi vậy, cách tốt nhất để vượt qua sự không thoải mái đó là các thành viên trong gia đình cần bình tĩnh lại và tự điều chỉnh cảm xúc của bản thân. Có như vậy, một cuộc nói chuyện trong hòa bình mới có thể diễn ra và mọi thứ tốt đẹp, sự hòa thuận, yêu thương trong gia đình sẽ lại xuất hiện mà thôi.

Chia sẻ bài viết:

Theo Tạp Chí Sở Hữu Trí Tuệ Copy link

Link bài gốc

Copy Link
https://sohuutritue.net.vn/lam-the-nao-de-co-the-cam-thay-thoai-mai-trong-chinh-ngoi-nha-cua-minh-d150347.html