Theo Phật giáo.org, làm thế nào để báo hiếu cha mẹ một cách thiết thực nhất?
Phật tử hỏi:
Thưa Thầy, Khi cha mẹ còn sống thì con chưa có cơ hội báo hiếu. Bây giờ, con phải làm gì để báo hiếu cha mẹ đã qua đời? Con có nên mời thầy về cầu siêu hoặc giải oan hay không ạ?
Thiền sư Thích Nhất Hạnh trả lời:
Câu hỏi này là tiếng chuông chánh niệm rất lớn. Những ai còn cha, còn mẹ thì hãy tìm cách báo hiếu liền đi. Đừng đợi đến khi cha mẹ mất rồi thì mới hỏi câu này. Làm được gì để cha mẹ mỉm cười hạnh phúc, thì ta nên làm ngay hôm nay. Nếu nhìn thấy nỗi khổ niềm buồn đau trong cha mẹ, thì ta nên tìm cách giúp họ hóa giải. Ta có thể báo hiếu cha mẹ đã qua đời, nhưng vẫn không bằng báo hiếu khi cha mẹ còn sống.
Nếu ông bà, cha mẹ đã qua đời thì trước hết mình nên thấy họ vẫn còn tồn tại trong từng tế bào của mình. Mình an lạc thì họ an lạc, mình hạnh phúc thì họ hạnh phúc. Mình báo hiếu bằng cách đó, chứ không phải đốt nhang thật nhiều, nấu xôi thật nhiều.
Khi nở được nụ cười, mình đã chuyển hóa được những nỗi khổ niềm đau buồn trong lòng. Lúc đó mình có được niềm vui, tịnh lạc. Điều này có nghĩa là ông bà, cha mẹ mình cũng đang có niềm vui, có nụ cười, có tịnh lạc.
Tu tập đàng hoàng cũng là cách báo hiếu cha mẹ đã qua đời. Thầy có cảm tưởng rằng mình là người có hiếu. Có hiếu không phải vì thầy đem lại tiền bạc, danh lợi cho ông bà, cha mẹ, sư thầy. Có hiểu vì thầy đã cảm hóa được những nỗi khổ niềm buồn đau trong lòng mình. Mình hạnh phúc trong mỗi giây, mỗi phút, mỗi giờ thì ông bà, cha mẹ, sư thầy của mình cũng được hạnh phúc.
Khi sống thì phụng dưỡng, chăm sóc, ân cần. Khi mất thì thờ phụng cung kính tưởng nhớ. Đặc biệt, khi cha mẹ đã mất con cái cần luôn làm việc thiện, biết tu tập, ăn chay, phóng sinh… để hồi hướng cho cha mẹ. Phước báu đó con cái làm thì cha mẹ cũng sẽ được hưởng theo/
Bên cạnh đó, lễ Vu lan báo hiếu hàng năm chính là một trong những nghi thức báo hiếu lúc cha mẹ mất, tích phúc tích nghiệp ngay cả khi cha mẹ đã xa lìa cõi đời, sinh lý tử biệt cũng không quên ơn nghĩa sinh thành.
Theo góc nhìn Phật giáo, mỗi người không chỉ có cha mẹ đời này, mà còn có cha mẹ của nhiều kiếp trước nữa. Do đó, Phật dạy rằng phải báo hiếu cho trọn, kể cả cha mẹ đã quá vãng nhiều đời nhiều kiếp.
Con cái có thể cúng dường và hồi hướng
Đức Phật dạy rằng đối với cha mẹ đã quá vãng, cách để chúng ta báo hiếu tốt nhất là phải làm nhiều phước thiện để hồi hướng công đức phước thiện đó cho cha mẹ. Trong đó, kinh Đức Phật dạy trong những việc phước thiện thì cúng dường Tam Bảo là việc đặc biệt nhất, mang lại phúc lớn. Khi cúng dường Tam Bảo, bạn sẽ mang lại nhiều phúc đức và giúp cha mẹ kết duyên với Tam Bảo.
Trên thực tế, có nhiều người cúng lễ không đúng Pháp, dù cho mâm cao cỗ đầy song các vong linh không thọ hưởng được. Tuy nhiên, khi bạn cúng dường này đến Tam Bảo cùng chúng Tăng thì phước đức ấy chắc chắn sẽ hồi hướng cho thân quyến, từ đó mang lại lợi ích cho cả người cúng và người nhận sự cúng dường.
Đức Phật đã dạy trong kinh Địa Tạng rằng: Cúng dường cho người quá cố thì người hiện đời sẽ được phước báu sáu phần, còn người quá cố được hưởng phước báu một phần, nhưng một phần ấy đối với họ là vô cùng lớn lao và cứu độ họ rất nhiều. Đây là nghĩa vụ của người còn sống đối với người đã mất. Đặc biệt, trong mùa lễ Vu lan báo hiếu, nếu có lễ Cầu siêu phả độ gia tiên tiền tổ thì mang lại lợi ích cho kẻ còn, người mất.
Đức Phật dạy rằng: Chúng sinh ở cõi đời này khi thân hoại mạng chung, bỏ thân cõi người, đọa làm ngạ quỷ nhiều như đất ở đại địa. Những người đủ phước duyên tái sinh trở lại làm người ít như đất ở móng tay. Cho nên, cha mẹ chúng ta lang thang trong kiếp ngạ quỷ rất nhiều và họ rất mong ngóng đến cứu giúp họ.
Đại báo hiếu
Chữ “hiếu” trong đạo Phật có thể được hiểu là tiểu hiếu và đại hiếu.
Tiểu hiếu tức là hiếu của thế gian, của con người khi ở tại gia. Trong đó, hiếu với cha mẹ thì cần phụng dưỡng, hỗ trợ cha mẹ “cơm no áo ấm”, chăm sóc khi cha mẹ ốm đau; làm điều thiện lành để cha mẹ phấn khởi, vui vẻ. Theo quan niệm con người, đó chính là hiếu. Tuy nhiên, với đạo Phật thì đây chỉ là tiểu hiếu (hiếu nhỏ).
Đại hiếu (hiếu lớn) thì phải làm sao độ được cha mẹ thoát sinh tử. Theo đó, hiếu thực chất là người con phải giúp cha mẹ quay về nẻo chính, tu tập chánh đạo, quy y Tam Bảo, đắc được giác ngộ giải thoát. Đây mới chính là hiếu lớn, là trọn vẹn chữ “hiếu”.
Thầy Thích Trúc Thái Minh từng nói rằng: “Trách nhiệm của người Phật tử tại gia chúng ta là phải tự mình bồi đắp hiếu tâm cho thật dày. Không những vậy, chính chúng ta phải lan tỏa hiếu đạo đến với tất cả mọi người, trước hết là đến với con cháu, người thân của chúng ta. Vì hiếu là gốc của đạo, “Tâm hiếu là tâm Phật. Hạnh hiếu là hạnh Phật”, mười phương chư Phật đều tu tập từ hiếu tâm này mà thành Phật. Chúng ta là Phật tử thì phải lo vun bồi cái gốc này; gốc có sâu, có chắc thì cây mới bền, mới cho hoa tươi, quả tốt”.
Trên đây là những chia sẻ của Vật phẩm Phật giáo về cách báo hiếu cha mẹ ý nghĩa nhất. Hy vọng, thông qua bài viết của chúng tôi, bạn đã hiểu rõ hơn quan niệm của Phật giáo về vấn đề hiếu kính cha mẹ. Từ đó, giúp mỗi người con đều có thể báo hiếu cha mẹ đúng cách và trọn vẹn nhất.