Bẽ mặt vì bị chê thời buổi này còn lì xì 50 nghìn đồng

Mừng tuổi hay lì xì là một tục lệ mỗi dịp Tết đến Xuân về. Ý nghĩa của lì xì không phải ở số tiền nhiều hay ít, mà chính là ở thiện ý và tâm niệm của người tặng.

Thế nhưng, nhiều người lại biến tấu ý nghĩa của lì xì đầu năm, coi đây là hành động để thể hiện hơn thua. Người nào mừng tuổi nhiều thì được coi trọng còn người nào mừng tuổi ít thì bị chê bai.

Câu chuyện lì xì đầu năm đã khiến nhiều người phải khó xử. Những đứa trẻ nghịch ngợm bóc phong bao lì xì trước mặt mọi người khiến người tặng cảm thấy ái ngại. Tôi đã từng rơi vào hoàn cảnh đó, vì thế tôi luôn dặn dò các con của mình “tiền ít tiền nhiều không quan trọng”, quan trọng là thành ý của người tặng.

Cách đây bốn năm, tôi rơi vào hoàn cảnh vô cùng xấu hổ. Tôi nhớ như in chiều mùng 2 Tết tôi có sang chúc Tết nhà bác họ. Khi cháu của bác vừa nhận lì xì tôi tặng thì bóc ngay tại chỗ và hét lên: “Eo ơi có mỗi 50 nghìn”. Xong cu cậu quay sang xem một đứa trẻ khác được bao nhiêu. Lúc đó, tôi thực sự chẳng biết giấu mặt vào đâu, ngồi chơi thêm một lúc rồi xin phép đi về. Thực sự với thu nhập của hai vợ chồng, chúng tôi chẳng đủ tài chính để mừng tuổi 200 trăm, 500 trăm như người ta.

Nói đến chuyện lì xì, rất nhiều người giàu thường có thói quen cầm một xấp tiền mệnh giá 100, 200, thậm chí 500, rồi gặp ai sẽ xoèn xoẹn trao từng tờ như kiểu phân phát. Tôi thấy làm như vậy thật khoe khoang, muốn tỏ ra giàu có hơn người. Tôi tự hỏi họ có hiểu ý nghĩa của lì xì là gì không. Lì xì không phải biếu xén nọ kia, mà chỉ mang tính chất lấy may đầu năm thôi. Nếu họ muốn biếu tặng, thì có đầy dịp để làm điều đó.

Có nhiều người lớn lại lấy hành động đó để so bì xem ai cho ít cho nhiều. Nhiều người còn cho trước mặt người lớn để bố mẹ chúng phải nhìn thấy người ngày người kia đã lì xì hay chưa. Thậm chí họ còn ghi hẳn tên hoặc chuẩn bị phong bao lì xì thật đặc biệt để bố mẹ đứa trẻ có thể dễ dàng nhận ra khi bóc lì xì. Có những phụ huynh còn chẳng biết dạy con, để con trẻ mở lì xì ra xem trước mặt rất nhiều người, thậm chí để chúng nó phân bì xem ai ít, ai nhiều.

Như vợ chồng chồng tôi thống nhất quan điểm với bọn trẻ con ngay từ nhỏ, Tết ai thích lì xì thì họ cho, còn không cũng chẳng sao. Dù tiền mừng tuổi ít hay nhiều, các con đều phải cư xử lễ phép bằng cách: “nhận bằng hai tay và nói cảm ơn”. Đặc biệt, tôi dặn dò rất kĩ bọn trẻ con tuyệt đối không được bóc phong bao lì xì trước mặt người lớn cũng như so sánh người này người kia.

Thời buổi này mừng tuổi 10 nghìn, 20 nghìn nhiều người còn hùa theo “tiền mừng không đủ cốc cà phê”. Tôi tự hỏi nếu không có những phong bao lì xì đó thì con họ sẽ chết đói hay sao. Bạn muốn lì xì bao nhiêu tiền là việc của bạn, còn người ta lì xì bấy nhiêu tiền là việc của người ta. Đừng bao giờ lấy giá trị đồng tiền để biến tướng đi ý nghĩa thực sự của lì xì đầu năm. Nếu vậy thì những người nghèo họ sẽ chẳng bao giờ dám lì xì nữa. Ấy vậy mà điều dễ hiểu này người lớn còn chẳng chịu hiểu, huống hồ trẻ con.

Ảnh minh họa internet

Chia sẻ bài viết:

Theo Copy link

Link bài gốc

Copy Link