Theo Đời sống pháp luật, thạc sĩ, bác sĩ Nguyễn Duy Anh từ Trung tâm Ung bướu, Xạ trị và Y học hạt nhân Quốc tế, Bệnh viện Đa khoa Phương Đông cho biết, gần đây ông tiếp nhận một trường hợp ung thư tiến triển nhanh từ giai đoạn sớm (giai đoạn 1) sang giai đoạn cuối (giai đoạn 4) với di căn phổi.
Bệnh nhân tự ý bỏ điều trị, chuyển sang dùng thuốc nam
Bệnh nhân là nữ, 42 tuổi, sống tại Hải Phòng. Vào tháng 3/2023, chị phát hiện có khối u ở vú phải kèm cảm giác đau nhẹ nên đi khám. Kết quả chẩn đoán xác định ung thư vú giai đoạn sớm. Tuy nhiên, thay vì tuân thủ phác đồ điều trị của bác sĩ, bệnh nhân đã tự ý về nhà và sử dụng thuốc lá, thuốc nam.
Hình ảnh ung thư di căn phổi của bệnh nhân được khoanh tròn đỏ. (Ảnh: Bác sĩ cung cấp)
Thời gian đầu, chị nhận thấy triệu chứng thuyên giảm nên tin rằng khối u đã được kiểm soát và không tái khám. Đến gần đây, khi nhận thấy khối u to lên rõ rệt, đau nhức nhiều hơn, da vú vùng tổn thương trở nên sần cứng, bệnh nhân mới quay lại bệnh viện.
Theo bác sĩ Duy Anh, kết quả khám lâm sàng và chụp CT-scan toàn thân cho thấy khối u vú phải đã phát triển đến kích thước 25x52mm, xuất hiện nhiều hạch lớn và có tổn thương di căn ở phổi.
Với ung thư vú, nếu phát hiện ở giai đoạn 1-2, tỷ lệ chữa khỏi có thể đạt từ 75-90%, thậm chí ở giai đoạn 1, 90-95% bệnh nhân có thể sống thêm trên 10 năm. Ở giai đoạn 3, khi khối u đã xâm lấn và di căn hạch nách, tỷ lệ chữa khỏi giảm xuống còn 50-70%, với tỷ lệ sống thêm 10 năm khoảng 55-75% nếu được điều trị đúng phác đồ.
Bệnh nhân đã bỏ qua giai đoạn có thể điều trị khỏi ung thư.
Tuy nhiên, với trường hợp của bệnh nhân này, ung thư đã ở giai đoạn cuối và có di căn phổi, nên không còn khả năng chữa khỏi hoàn toàn. Ngoài ra, nguy cơ ung thư kháng thuốc sẽ gia tăng theo thời gian, khiến việc điều trị càng trở nên khó khăn.
Thuốc nam có thể chữa ung thư không?
Bác sĩ Duy Anh khẳng định, hiện chưa có nghiên cứu khoa học nào chứng minh thuốc lá hay thuốc nam có thể chữa khỏi ung thư. Một số thảo dược như nghệ vàng, nấm linh chi, xạ đen… có thể hỗ trợ sức khỏe, nhưng không thể thay thế các phương pháp điều trị chính thống như phẫu thuật, hóa trị hay xạ trị.
Việc tự ý bỏ điều trị và sử dụng thuốc nam có thể gây hậu quả nghiêm trọng, thậm chí khiến bệnh tiến triển nhanh hơn. Một số loại thảo dược còn có thể tương tác với thuốc điều trị ung thư, làm giảm hiệu quả hoặc gây biến chứng nguy hiểm, ảnh hưởng đến gan, thận.
Nhiều bệnh nhân sau khi dùng thuốc nam cảm thấy giảm đau hoặc bớt triệu chứng tạm thời, nhưng thực tế bệnh vẫn âm thầm tiến triển. Khi quay lại bệnh viện, ung thư đã ở giai đoạn muộn, bỏ lỡ cơ hội điều trị tối ưu.
Bác sĩ Duy Anh khuyến cáo, khi phát hiện ung thư, người bệnh cần giữ bình tĩnh và tỉnh táo để đưa ra quyết định đúng đắn. Với sự phát triển của y học hiện đại, nhiều loại ung thư có thể chữa khỏi hoặc kiểm soát tốt nếu được phát hiện sớm.
Nếu bệnh nhân muốn sử dụng thuốc nam, thuốc bắc hay thực phẩm chức năng trong quá trình điều trị, cần tham khảo ý kiến bác sĩ để tránh tác dụng phụ và đảm bảo hiệu quả điều trị tốt nhất.