Theo báo Vietnamnet, sau tai nạn xảy ra sáng mùng 6 Tết của 4 năm trước (ngày 30/1/2020), tiếp viên hàng không Nguyễn Thị Bích Hường bị thương tật tới 79%. Chị trải qua một loạt ca mổ để xếp lại xương, hàn nẹp xương chậu, chuyển gân, nắn chỉnh xương bàn chân… Giờ đây, trên cơ thể chị chằng chịt những vết sẹo. Những lúc trái gió trở trời, chị lại bị những cơn đau cơ, xương hành hạ.
Đưa tay lật từng trang sổ khám bệnh, chị Hường cho biết lần kiểm tra sức khỏe gần nhất, bác sĩ kết luận chị bị thoái hóa cột sống thắt lưng, thoái hóa khớp cổ chân trái, khớp háng… do di chứng của vụ tai nạn. Song, với tinh thần lạc quan, chị Hường vui vẻ chia sẻ với PV VietnamNet: “Giờ mình có sao dùng vậy, chấp nhận thôi”.
“Con ước được mẹ chở đi chơi bằng xe máy”
Trong góc nhỏ của căn hộ chưa đầy 70m2 tại một chung cư gần sân bay Tân Sơn Nhất (quận Tân Bình, TPHCM), bé Kun – tên ở nhà của cậu bé 5 tuổi, con trai chị Hường – đang loay hoay xếp lại đồ chơi… Thỉnh thoảng, bé quay sang nhìn mẹ, nhoẻn miệng cười.
Chị Hường nói động lực lớn nhất để vượt qua những tháng ngày tuyệt vọng chính là nụ cười của con trai và tình yêu thương của mẹ ruột.
“Là mẹ đơn thân, nhà neo người nên từ ngày gặp tai nạn, tôi phải nhờ hoàn toàn vào sự giúp đỡ của mẹ. Thời điểm tôi nằm một chỗ, ngồi xe lăn thì mọi sinh hoạt cá nhân, chăm sóc con cái, nhà cửa đều do mình mẹ gánh vác. Hiện giờ, mẹ vẫn phụ giúp đi chợ, cơm nước… để tôi có thời gian cho công việc của mình” – chị Hường tâm sự.
Chị Hường chơi với con trai ngày cuối tuần. Ảnh: NVCC
Cũng theo cựu nữ tiếp viên hàng không này, từ tháng 1/2023, chị được nhận vào làm việc tại phòng an toàn chất lượng thuộc Đoàn tiếp viên hàng không Vietnam Airlines.
“Trước đây, tôi được công ty hỗ trợ làm việc tại nhà một tuần 3 buổi vì đi lại khó khăn, lưng đau không thể ngồi lâu được. Còn bây giờ, hàng ngày tôi đến công ty lúc 8h và trở về nhà lúc 17h. Quãng đường từ nhà đến công ty chỉ khoảng 1km nhưng tôi phải gọi taxi đi làm, không dám đi xe máy vì rất sợ hãi và ám ảnh” – chị Hường nói. Mới đây, chị đã có đơn xin công ty cho phép làm việc tại nhà vì tình trạng sức khỏe không đảm bảo.
Ngoài công việc ở Đoàn tiếp viên, cuối tuần chị dành nhiều thời gian tập vật lý trị liệu và chơi với con, cùng con học vẽ, tưới cây.
“Tôi vui vì Kun biết quan tâm đến mẹ, giúp đỡ những việc nhỏ trong nhà. Thỉnh thoảng con đấm lưng, xoa chân cho mẹ rồi lại thắc mắc về những vết sẹo”.
Cậu bé còn tâm sự với cô bác hàng xóm rằng “con ước được mẹ chở đi chơi bằng xe máy một lần”.
“Niềm mơ ước của con giản đơn như vậy mà tôi cũng chưa thể thực hiện được” – chị Hường ngậm ngùi.
Đã nhận hơn 1,2 tỷ đồng tiền thi hành án
Ngày 8/5 vừa qua, sau 2 đợt thi hành án, chị Hường đã nhận được 1,2 tỷ đồng. Phía những người thuộc hàng thừa kế thứ nhất của ông Lê Mạnh Thường (người chở chị Hường bằng xe máy và tử vong sau vụ tai nạn) nhận hơn 300 triệu đồng.
Chị Hường ở thời điểm hiện tại. Ảnh: NVCC
Chị Hường cho biết sau khi nhận tiền thi hành án, chị và gia đình ông Thường đã gửi lại cho mẹ của Nguyễn Trần Hoàng Phong (người gây tai nạn) 10 triệu đồng.
“Số tiền tuy nhỏ, nhưng tai nạn xảy ra không ai mong muốn, hoàn cảnh gia đình Phong cũng khó khăn nên chúng tôi chia sẻ một phần nào” – chị Hường nói.
Trải qua vụ án kéo dài hơn 4 năm, khi được hỏi về mong ước của mình, chị Hường nhìn xa xăm, nói ước muốn lớn nhất bây giờ là có sức khỏe tốt, được chạy nhảy bình thường như bao người khác. Chị cũng mong gặp được người thương mình để cùng đồng hành trên chặng đường sắp tới.
Có một câu chuyện mà chị Hường nói mình vẫn bị ám ảnh. Đó là giấc mơ ngay trước khi chị bị tai nạn.
“Ngay đêm trước lúc bị tai nạn, tôi nằm ngủ mơ thấy bị xe tông. Tôi không mê tín mà lúc đó chỉ nghĩ mình mơ linh tinh. Khi tỉnh dậy ở bệnh viện sau khi gặp nạn, tôi đã kể lại với mẹ” – chị Hường chia sẻ và nói nếu khi đó “giật mình” một chút, biết đâu số phận sẽ khác.
“Nhưng thôi, giờ đây chuyện cũng qua, việc kiện tụng coi như đã kết thúc, tôi chỉ muốn tập trung lo cho gia đình và công việc” – chị Hường nói thêm.