Theo Bộ Nông nghiệp Mỹ, trong 1 thìa nước mắm (18g) có 6 calo, 0,66g carbs, 0,66g đường, 0,01g chất béo, 0,91g protein. Nước mắm cũng chứa nhiều loại vitamin nhưng lượng không nhiều gồm choline, vitamin A, B1, B2, B3, B5, B6, B12, C, D, E, K.
Điều cần lưu ý là 1 thìa nước mắm tích tụ nhiều muối (60% nhu cầu hằng ngày), magie (7,5%). Ngoài ra còn 1 số khoáng chất khác không đáng kể như canxi, đồng, sắt, phốt pho, selen, kẽm.
Tác dụng của nước mắm
Tăng hương vị món ăn
Nước mắm là nguyên liệu nấu ăn truyền thống ở nhiều nước châu Á trong đó có Việt Nam. Chỉ cần một thìa nhỏ nước mắm cũng có thể mang lại hương vị đậm đà, có thể dùng để chấm kèm rau, các món nhạt hoặc cho vào thực phẩm khi chế biến.
Cung cấp vitamin B và magie
Nhìn chung, nước mắm không phải là nguồn cung cấp vi chất dinh dưỡng thiết yếu. Dù vậy, gia vị này vẫn bổ sung một lượng magiê và vitamin B. Theo dữ liệu của Bộ Nông nghiệp Mỹ, một thìa nước mắm 18g cung cấp vitamin B3, B6, B9 và B12 đủ 2-4% nhu cầu hằng ngày và magie (7,5%).
Vitamin B đóng vai trò quan trọng trong sản xuất năng lượng, tổng hợp ADN và cần thiết cho hệ thần kinh. Trong khi đó, magie rất quan trọng cho việc sản xuất năng lượng, tổng hợp protein, điều hòa lượng đường trong máu và duy trì huyết áp.
Lượng calo thấp
Trong khi nhiều loại gia vị phổ biến thường có hàm lượng calo cao (mayonnaise, sốt cà chua, nước sốt thịt nướng), nước mắm là loại gia vị có hàm lượng calo thấp. Bởi vậy, đây là lựa chọn tốt cho những người muốn giảm lượng năng lượng hấp thụ.
Bổ sung chất sắt
Theo Nutrition Advance, trong một thử nghiệm ngẫu nhiên có đối chứng kéo dài 6 tháng với 152 phụ nữ bị thiếu máu do thiếu sắt, việc dùng nước mắm đã tăng cường chất sắt. Nhờ đó, giảm tỷ lệ thiếu máu do thiếu sắt.
Thói quen sai lầm sử dụng nước mắm gây hại sức khỏe
Đun nước mắm quá lâu
Nước mắm khi đun quá lâu cùng món ăn sẽ làm mất các vitamin và làm thay đổi hương vị, khiến món ăn trở nên kém thơm ngon. Khi nấu món xào hoặc kho, bạn nên chờ món ăn gần chín trước khi cho nước mắm vào và tắt bếp nhanh chóng. Đối với món canh, hãy thêm nước mắm trước khi tắt bếp.
Cho nước mắm vào món ăn đang sôi
Trong khi nấu ăn rất nhiều bà nội trợ có thói quen nêm nước mắm khi món ăn gần chín, đang sôi lớn. Tuy nhiên đây là một cách nấu ăn sai lầm. Cho nước mắm vào lúc đang sôi sùng sục sẽ khiến cho axit amin của loại gia vị này biến mất, vừa làm mất dinh dưỡng lại khiến món ăn không còn có mùi thơm, vị ngọt nữa.
Cách tốt nhất là bạn nên nêm nếm nước mắm khi đã tắt bếp rồi như vậy vừa không ảnh hưởng tới sức khỏe vừa không ảnh hưởng tới hương vị của món ăn.
Chấm chung một bát nước mắm
Ở giữa mâm cơm của người Việt hầu như không thể nào thiếu một chén nước mắm, được sử dụng chung cho cả gia đình. Tuy nhiên, nếu trong nhà có một người nhiễm vi khuẩn Helicobacter pylori (HP) mà chấm chung nước mắm thì những người khác sẽ bị lây. Thậm chí nếu chúng ta đi ăn đám cưới, 10 người xa lạ cùng ăn một mâm, dùng chung bát nước chấm thì chỉ cần một người nhiễm, hầu hết số người còn lại sẽ bị theo.
HP được xem là nguyên nhân chính gây viêm, loét dạ dày- tá tràng và ung thư dạ dày . Từ năm 1994, Tổ chức y tế Thế giới WHO đã xếp vi khuẩn HP vào nhóm I các yếu tố gây ung thư dạ dày.
Người bệnh thận, bệnh tim vẫn vô tư dùng nước mắm
Nước mắm là thực phẩm quen thuộc của các gia đình Việt nhưng sự thật là không phải ai cũng phù hợp với loại gia vị này. Nước mắm có chứa hàm lượng muối rất cao, cực kỳ nguy hiểm với sức khỏe của bệnh nhân tim mạch, cao huyết áp , suy thận,… và sẽ khiến sức khỏe của nhóm người này trở nên trầm trọng hơn.
Giải pháp: Những người mắc bệnh trên bắt buộc phải có chế độ kiêng muối. Ngoài ra, các bệnh nhân này còn phải kiêng các thức ăn nhiều muối như nước tương, mắm tôm… Tốt nhất, người bệnh nên hạn chế dùng nước mắm hoặc ăn theo khuyến nghị từ bác sĩ.
Dùng nước mắm để qua đêm
Theo The Kitchn, nước mắm đã có thời gian sản xuất và lên men dài, không cần cất giữ trong tủ lạnh. Tuy nhiên, đó là khi nước mắm để trong chai, chưa sử dụng.
Khi pha chế để chấm, nước mắm được bổ sung nhiều thành phần khác như đường, nước lọc, ớt, chanh, hoặc dính thức ăn thừa (rau, thịt, cá) và cả vi khuẩn từ đũa thìa. Các yếu tố trên làm nảy sinh chất độc gây hại cho cơ thể, đặc biệt khi bạn để nước mắm qua đêm trong điều kiện nhiệt độ môi trường bên ngoài.
Bởi vậy, tốt nhất chỉ nên pha lượng nước mắm vừa phải, không dùng sang bữa thứ 2.