Thấm cảnh “10 năm chăm mẹ”, vợ chồng tôi về già sẽ vào viện dưỡng lão thay vì phiền con cháu.

Ám ảnh khi tự tay chăm mẹ bị ung thư, bố già yếu, tôi chuẩn bị sẵn tài chính để về già vào viện dưỡng lão, không phụ thuộc con.

Trải qua 10 năm chăm mẹ nằm liệt giường và bố ốm đau triền miên, tôi với vợ bàn nhau phải tích tiền từ bây giờ để khi già còn vào viện dưỡng lão. Vì không muốn sau này mình cũng làm khổ con cháu như vậy.

Chủ đề “đưa cha mẹ vào viện dưỡng lão” khá nhạy cảm và gây ra nhiều ý kiến trái chiều trong dư luận. Nhưng tôi thấy mọi người có vẻ đang bị hiểu sai giữa dịch vụ viện dưỡng lão và nhà tình thương dành cho người già neo đơn. Viện dưỡng lão dịch vụ mặc dù đã phổ biến nhiều hơn trong vài năm gần đây, nhưng đa phần các bà các mẹ vẫn nghĩ là vào đấy là bị con cái bỏ rơi, chúng nó không muốn chăm bố chăm mẹ nên mới đẩy ông bà vào đấy. Mà lại không hiểu được vào vào viện dưỡng lão là để không làm phiền con cháu và tự lo liệu cho bản thân lúc già yếu.

Cá nhân tôi là người đã trải qua 10 năm chăm bố mẹ lúc về già, mẹ thì nằm liệt giường còn bố ốm đau liên miên, mỗi tháng phải đôi ba lần vào bệnh viện. Để có tiền chữa trị và chăm lo cho bố mẹ, tôi thậm chí phải thế chấp nhà cho ngân hàng để vay lãi. Ấy thế mà mẹ cũng bỏ chúng tôi mà đi, 2 năm sau thì bố cũng ra đi nốt. Trong suốt 10 năm chăm lo cho bố mẹ, bản thân tôi và vợ chưa một lời kêu ca, nhưng chúng tôi biết rằng nhiều lúc hai vợ chồng cũng cảm thấy kiệt sức, cả tinh thần lẫn tài chính. Chúng tôi mất cả bố lẫn mẹ, lại gánh thêm số nợ 1 tỷ đồng.

Tôi nhớ khoảng thời gian đó, vợ tôi phải bỏ ngang công việc đang phát triển để lui về chăm lo cho bố mẹ chồng, chỉ vì nhà tôi con một. Chuyện cơm nước, vệ sinh của bố mẹ một tay vợ tôi lo hết từ đầu đến cuối. Những ngày cuối đời mẹ phải truyền thuốc thuốc, không ăn uống được gì kể cả cháo hay sữa, cứ ăn vào là nôn. Vợ tôi “năm lần bảy lượt” thay quần áo và dọn dẹp cho bà. Khi cơn đau hành hạ, mẹ khóc liên tục, vợ cũng phải ra sức dỗ dành. Thậm chí có những đêm 1-2 h sáng, mẹ đau quá la hét ầm ĩ, hai vợ chồng tôi đang chăn ấm đệm êm cũng phải vùng dậy để sang xem bà.

Ảnh minh họa internet

Một thời gian sau mẹ qua đời, bố tôi vì quá đau buồn nên cũng đổ bệnh. Dù không đến mức nặng như mẹ nhưng cũng phải vào viện mỗi tháng đôi ba lần. Thời gian đó tôi và vợ chỉ biết động viên nhau: “giờ còn mỗi bố là người thân duy nhất, nên dù có phải bán nhà bán cửa vẫn phải lo cho bố tươm tất để trọn chữ hiếu”. Dù nhiều khi tiền thuốc men và viện phí của bố khiến hai vợ chồng chúng tôi chóng mặt. Ấy vậy mà sau 2 năm đổ bệnh, mặc dù chúng tôi đã cố hết sức chăm lo nhưng bố cũng bỏ chúng tôi mà đi. Trong vòng vài năm, tôi bỗng nhiên mồ côi cả bố lẫn mẹ.

Sau khi bố mẹ qua đời, tôi với vợ bàn nhau sau này nhất quyết phải vào viện dưỡng lão, để không phụ thuộc và làm khổ con cháu. Đấy là vợ chồng tôi tính vậy, chứ không phải bắt mọi người phải làm theo. Thế nhưng khi tôi bày tỏ ra quan điểm của mình, nhiều người lại nhảy vào chê bai tôi “sống ích kỷ, chưa gì đã nghĩ thoái thác trách nhiệm chăm lo cha mẹ”. Mà họ không hề biết những gì tôi phải trải qua.

Là người từng trải, tôi hiểu rằng sống độc lập không đồng nghĩa với việc con cái bỏ rơi cha mẹ. Tôi và vợ đã trải qua 10 năm chăm bố mẹ lúc ốm đau tuổi già, phải vay nợ cả tỷ đồng để chữa trị cho ông bà. Chúng tôi thậm chí chẳng kêu ca một lời, giữ trọn chữ hiếu với ông bà đến giây phút cuối đời. Kể cả suy nghĩ vào viện dưỡng lão hai vợ chồng cũng chỉ bàn với nhau, chứ cũng không nói ra ngoài vì không muốn bố mẹ bận lòng. Sợ con cái đang ám chỉ ông bà phiền con phiền cháu.

Nhiều người thường nói rằng “con cái phải có nghĩa vụ chăm sóc và phụng dưỡng cha mẹ” thì mới trọn đạo làm con. Nhưng nếu con cái có tài chính thì không sao, chúng nó nghèo khổ thì lấy đâu ra tiền mà chăm lo cho cha mẹ. Khi cha mẹ ốm đau, phải nhập viện thì “tình cảm mà nói suông, không có tiền” cũng trở nên vô nghĩa.

Mà thời đại bây giờ, đồng tiền và vật chất lên ngôi, nên giới trẻ cũng phải nai lưng đi làm mới đủ lo cho bản thân và con cái. Nên bố mẹ cũng đừng nên bắt họ phải túc trực 24/7. Họ cũng có công việc riêng, họ cũng có con cái cần chăm sóc nên không thể kè kè bên cạnh, mới coi là có hiếu được.

Nếu con cái có đủ thời gian để chăm sóc và phụng dưỡng cha mẹ lúc tuổi già là tốt. Còn không đưa cha mẹ vào viện dưỡng lão cũng là ý tốt cho bố mẹ mà thôi. Bởi vì trong đố, bố mẹ được hưởng dịch vụ chăm sóc tuổi già tốt nhất, mà để vào đó, cũng phải cần một số tiền lớn mỗi tháng chứ đâu phải miễn phí.

Chia sẻ bài viết:

Theo Copy link

Link bài gốc

Copy Link