Cô gái Việt tập yoga ở cung điện lên truyền hình Hàn Quốc: Người dân đất nước này bày tỏ bức xúc

Một giáo sư người Hàn khuyến nghị các cơ quan chức năng thiết lập những quy định nghiêm ngặt hơn, trong khi nhiều người lại tỏ ra không hài lòng về hành vi của du khách Việt.

Theo Ngoisao.vnexpress, ngày 5/11, nhiều báo lớn tại Hàn Quốc như Chosun, Yonhap, Edaily và các đài truyền hình MBC, JTBC đồng loạt đưa tin về việc một nữ du khách Việt tập yoga bên ngoài cổng Gwanghwamun của cung điện Gyeongbokgung (còn gọi là cung Cảnh Phúc). Sự việc đã gây tranh cãi lớn trên mạng xã hội Hàn Quốc.

Nhiều bình luận chỉ trích hành động này, cho rằng cung Gyeongbokgung là địa điểm linh thiêng và là biểu tượng văn hóa Hàn Quốc, tương tự như Đại nội Huế của Việt Nam. Một số ý kiến bày tỏ sự bức xúc: “Yoga tốt cho sức khỏe, nhưng việc phô bày cơ thể ở nơi công cộng như vậy là thô lỗ và thiếu tôn trọng.”

Một số người nhận xét việc mặc trang phục bó sát phô diễn đường cong nơi công cộng cũng ít thấy ở Hàn Quốc và được xem là khiếm nhã.

Hình ảnh người phụ nữ tạo dáng yoga ở cung điện Gyeongbokgung xuất hiện trên bản tin Thời sự của đài MBC là nhà đài lớn nhất nhì Hàn Quốc . (Được biết, MBC hiện là đài truyền hình lâu đời thứ 2 tại Hàn Quốc (sau KBS). Đơn vị sở hữu nhà đài này là Hiệp hội Văn hoá Truyền thông Hàn Quốc và hội khuyến học Jung-su).

Ngoài ra, bản tin của đài JTBC cũng đưa tin về sự việc du khách Việt.

Không chỉ đài MBC, các trang báo Hàn Quốc như Nate, Chosun, The Joong Ang… cũng đồng loạt đưa tin về sự việc này.

Hàng loạt báo chí Hàn Quốc đã đưa tin về sự việc

Đáng chú ý, những hình ảnh về người phụ nữ tập yoga phản cảm trước cung điện này còn lên top tìm kiếm trên MXH ở Hàn Quốc:

Giáo sư Seo Kyung-deok từ Đại học Nữ sinh Sungshin bày tỏ lo ngại về việc bảo vệ di sản văn hóa, cho rằng phản ứng của người dân Hàn Quốc là dễ hiểu. Ông nhấn mạnh rằng du khách có thể tập yoga ở nhiều nơi, nhưng việc làm vậy tại một địa điểm văn hóa lịch sử của quốc gia khác là không phù hợp. Ông cũng đề nghị cung Gyeongbokgung nên có biện pháp ngăn ngừa các hành động tương tự trong tương lai.

Nguyên văn chia sẻ của Giáo sư Seo Kyung-deok,  Đại học Nữ Sungshin. 

Cơ quan quản lý văn hóa Hàn Quốc cho biết họ sẽ xem xét các quy định hướng dẫn để bảo vệ di sản văn hóa trong khi vẫn tạo điều kiện cho du khách trải nghiệm.

Du khách thường mặc hanbok khi tham quan cung Cảnh Phúc

Theo báo Thanh niên, vụ việc của H. ngay lập tức dấy lên làn sóng phẫn nộ. MBC cho hay đông đảo dân mạng Việt Nam “ném đá” H., cho rằng hành vi của cô là đáng xấu hổ, hành xử khó chấp nhận tại một địa điểm mang tính biểu tượng của du lịch Hàn Quốc như Cung Cảnh Phúc. Trước làn sóng chỉ trích, H. giải thích hành động của mình không vi phạm quy định nào và nhân viên bảo vệ Cung Cảnh Phúc cũng không cảnh báo gì.

Phía dưới bài đăng của đài MBC, một dân mạng Hàn viết:

“Chúng ta có nên đưa ra quy định mới để ngăn chặn sự việc tương tự xảy ra sau này không? Bạn nghĩ sao nếu hành động tương tự xảy ra ở một ngôi chùa Việt Nam? Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch xin hãy cân nhắc”.

Sau khi câu chuyện của người phụ nữ Việt này được đưa lên báo chí Hàn Quốc, cư dân mạng Việt Nam đã bày tỏ quan điểm, thậm chí có người còn cảm thấy ngại dùm nhân vật chính: 

“Lên hẳn truyền hình Hàn Quốc rồi, không biết chị này cảm thấy thế nào nhỉ?”

“Là người yêu thích yoga, mà thấy có người tập bừa bãi như vậy, thật sự thấy xấu hổ.”

“Chị không ngại, nhưng cả nước ngại thay cho chị.”

“Cứ tưởng vậy là tốt, nhưng ở những nơi cần sự nghiêm túc, lại hành động như thế này.”

“Không hiểu làm vậy để được gì, thật sự là đáng xấu hổ.”

Các đơn vị báo đài khác của xứ kim chi như Yonhap, Weekly Chosun, Se Daily, DongA, Newsis… cũng không ngừng đưa tin tức xoay quanh chuyện cô H. tập yoga ở Cung Cảnh Phúc. Ngoài ra, truyền thông Hàn Quốc cũng chia sẻ về “trào lưu” nhiều phụ nữ Việt Nam mặc đồ bó sát tập yoga từ giữa đường phố đến lên núi Fansipan nổi tiếng.

Cách đây không lâu, cộng đồng mạng Việt Nam ngán ngẩm trước những hình ảnh về các nhóm phụ nữ chiếm dụng địa điểm cột mốc Fansipan hay vị trí săn mây ở Đà Lạt để tập yoga, khiến nhiều du khách không thể chụp ảnh. Ngoài ra, clip một số phụ nữ trải thảm tập yoga trên đường cũng bị “đào lại”. Một bình luận nhận về nhiều lượt tán thành: “Yoga tốt cho sức khỏe, nhưng việc tạo dáng trong trang phục bó sát cơ thể ở nơi công cộng như mấy vụ này là hành động thô lỗ”.

Hầu hết những người tập này không phải để rèn luyện sức khỏe mà nhằm mục đích quay clip, chụp ảnh đăng tải lên mạng xã hội. Chính vì thế, cộng đồng mạng mong muốn có chế tài cho những hành vi không phù hợp này để tránh làm mất mỹ quan nơi công cộng, cũng như đảm bảo an toàn giao thông trên đường và tránh ảnh hưởng đến những người xung quanh.

Trước đó, ngày 2/11, chị Hoa (37 tuổi, Hà Nội) – người đã đăng tải hình ảnh tập yoga gây tranh cãi – cho biết chỉ dừng lại chụp vài kiểu ảnh bên ngoài cung điện vì thấy phong cảnh đẹp, không vào bên trong. Dù có người dân vỗ tay cổ vũ, chị vẫn rút kinh nghiệm và sẽ tránh tập yoga tại những địa điểm tương tự trong tương lai.

Tiến sĩ Phan Thế Anh, chuyên gia du lịch và giảng viên Truyền thông Marketing tại Đại học Quốc tế Miền Đông, nhận định: “Trang phục và cách ứng xử khi đi du lịch rất quan trọng, nhất là tại những nơi có tính chất trang nghiêm như cung điện Gyeongbokgung.” Ông cho rằng du khách nên lựa chọn những bối cảnh phù hợp hơn khi chụp hình hoặc tập yoga.

Cung Cảnh Phúc, hay Gyeongbokgung, là cung điện lớn nhất trong “Năm đại cung” của triều đại Joseon, được xây dựng từ năm 1395. Đây là điểm check-in nổi tiếng và thường không có quy định nghiêm ngặt về trang phục, nhưng du khách thường mặc hanbok hoặc trang phục lịch sự khi đến đây để tôn trọng văn hóa Hàn Quốc.

Chia sẻ bài viết:

Theo Tạp chí Sở hữu trí tuệ Copy link

Link bài gốc

Copy Link
https://sohuutritue.net.vn/co-gai-viet-tap-yoga-o-cung-dien-len-truyen-hinh-han-quoc-nguoi-dan-dat-nuoc-nay-bay-to-buc-xuc-d248351.html