Trong cuộc sống hiện đại, có rất nhiều tình huống minh chứng cho một thực tế đáng buồn: thay vì tận dụng thời gian để giao tiếp và tận hưởng khoảng khắc quý giá khi được ở bên nhau, chúng ta lại bị cuốn hút bởi chiếc điện thoại của mình. Dù không có việc gì quá quan trọng, nhiều người vẫn chỉ chú tâm vào màn hình thay vì người đối diện. Điều này không chỉ xảy ra trong những cuộc gặp gỡ thông thường mà còn phổ biến ngay trong các bữa ăn gia đình hay những buổi tiệc vui vẻ. Một số người mải mê dùng chiếc điện thoại đến mức không chú ý đến những người xung quanh, thậm chí cũng chẳng màng đến việc món ăn trước mặt có ngon hay không.
XEM THÊM: Nghiên cứu phát hiện 4 điều đặc biệt về những người hơn 10 năm chưa từng thay đổi số điện thoại
Tiến sĩ Jenny Woo, một chuyên gia được đào tạo tại Harvard, đã dùng thuật ngữ “phubbing” để mô tả hành vi này. “Phubbing” là sự kết hợp giữa “phone” (điện thoại) và “snubbing” (lạnh nhạt), ám chỉ việc “cắm mặt” vào điện thoại ngay cả khi đang ngồi cùng người khác. Theo bà, hành vi này không chỉ làm suy yếu các mối quan hệ xã hội mà còn khiến đối phương cảm thấy cô đơn, bất an, và không hài lòng trong tương tác.
Nếu bạn thường xuyên phubbing, đây có thể là dấu hiệu cho thấy chỉ số EQ (trí tuệ cảm xúc) của bạn đang ở mức thấp. Ngược lại, những người có EQ cao thường ý thức rõ tầm quan trọng của việc kiểm soát thời gian sử dụng điện thoại và ưu tiên xây dựng kết nối trực tiếp với người khác. Thay vì để điện thoại chi phối, họ làm chủ thiết bị của mình.
3 Thói quen dùng điện thoại thường thấy ở người có EQ cao
-Hạn chế sử dụng điện thoại trong các buổi gặp mặt
Người có EQ cao thường đặt ra quy tắc rõ ràng cho việc sử dụng điện thoại. Họ thực hiện nguyên tắc “nếu – thì”:
Nếu đang dùng bữa hoặc trò chuyện, họ sẽ để điện thoại ở chế độ im lặng và chỉ kiểm tra khi thật cần thiết.
Nếu bắt buộc phải sử dụng, họ sẽ lịch sự thông báo trước với đối phương để tránh gây cảm giác bị bỏ rơi.
-Để điện thoại ra xa
Các nghiên cứu cho thấy, chỉ cần đặt điện thoại trong tầm mắt cũng có thể gây xao nhãng. Người EQ cao hiểu rõ điều này và thường tạo rào cản vật lý như cất điện thoại vào túi, để ở phòng khác hoặc những nơi không dễ tiếp cận. Điều này giúp họ tập trung trọn vẹn vào công việc hoặc cuộc trò chuyện.
-Thiết lập vùng “không điện thoại”
Liên tục nhận thông báo từ điện thoại có thể làm giảm khả năng tập trung và tăng sự căng thẳng. Nghiên cứu cho thấy, mỗi lần bị gián đoạn, con người mất trung bình 23 phút để lấy lại sự chú ý. Người EQ cao giải quyết vấn đề này bằng cách:
Tắt thông báo không cần thiết hoặc sử dụng chế độ “Không làm phiền”.
Quy định rõ ràng những khu vực “không điện thoại”, chẳng hạn như bàn ăn hoặc phòng ngủ, để duy trì sự kết nối trong các mối quan hệ.
Xây dựng thời gian biểu cụ thể để kiểm tra điện thoại, tránh việc bị thiết bị này điều khiển.
Điện thoại thông minh đang chi phối con người hiện đại thế nào?
Dù mang lại vô số tiện ích, điện thoại thông minh cũng gây ra nhiều vấn đề nghiêm trọng về sức khỏe và lối sống:
Tác động đến sức khỏe tinh thần: Việc lạm dụng điện thoại, đặc biệt là mạng xã hội, dễ gây lo âu, căng thẳng, và trầm cảm. Thói quen so sánh bản thân với hình ảnh hoàn hảo trên mạng khiến nhiều người cảm thấy tự ti, cô đơn. Việc sử dụng điện thoại trước giờ ngủ cũng làm giảm chất lượng giấc ngủ, ảnh hưởng đến năng lượng và tinh thần.
Thay đổi thói quen sống: Nhiều người mất hàng giờ chỉ để lướt điện thoại mà không nhận ra, dẫn đến trì hoãn công việc và giảm hiệu suất. Sự phụ thuộc vào điện thoại khiến việc quản lý thời gian trở nên khó khăn hơn.
Ảnh hưởng sức khỏe thể chất: Thói quen cúi đầu nhìn điện thoại trong thời gian dài gây đau cổ, mỏi mắt và các vấn đề về tư thế. Ánh sáng xanh từ màn hình cũng ảnh hưởng tiêu cực đến giấc ngủ, đặc biệt khi sử dụng vào ban đêm.
Dù là một công cụ quan trọng, điện thoại thông minh cũng đòi hỏi chúng ta phải sử dụng một cách tỉnh táo và có kiểm soát. Bằng cách thiết lập các giới hạn và thói quen lành mạnh, bạn không chỉ cải thiện sức khỏe và hiệu suất mà còn tăng cường mối quan hệ xã hội của mình.