Vợ tôi là con gái duy nhất trong gia đình. Vì thế, từ khi còn yêu nhau, gia đình vợ đã ám chỉ rằng tôi nên ở rể, như một cách để tiện chăm sóc và gần gũi hơn với con gái họ. Tuy nhiên, tôi không đồng ý. Là đàn ông, tôi luôn tâm niệm rằng mình phải tự lập, phấn đấu để có nhà riêng, xe riêng.
Khi đã làm được những điều đó, tôi không thấy lý do gì để ở rể. Thái độ của tôi rất dứt khoát, điều này khiến bố mẹ vợ không hài lòng. Ngay cả trong ngày cưới, họ vẫn không giấu được sự không ưng ý, còn trách vợ tôi rằng cô ấy “không biết chọn chồng”. Dù bực mình nhưng vì là ngày vui, tôi cố nhịn, không để không khí thêm căng thẳng.
Chúng tôi quyết định ở riêng để không ai phải chịu thiệt thòi. Vợ không phải làm dâu, tôi cũng không ở rể. Cuộc sống vợ chồng trôi qua khá thoải mái. Mỗi tối thứ bảy, chúng tôi về nhà bố mẹ tôi ăn cơm. Ngày chủ nhật, tôi đưa vợ về nhà ngoại chơi cả ngày.
Dù cố gắng cân bằng như thế, nhưng bố mẹ vợ vẫn giữ thái độ lạnh nhạt với tôi. Tôi cũng không vì thế mà nản lòng. Mỗi lần về thăm, tôi đều chuẩn bị quà cáp chu đáo, hoặc giúp đỡ họ việc lặt vặt, nhưng chẳng lần nào nhận được sự hài lòng từ họ.
Khi vợ mang thai, mâu thuẫn càng lớn hơn. Mẹ vợ lấy lý do con gái sức khỏe yếu, cần được chăm sóc đặc biệt, nên thường xuyên khuyên tôi nên về ở rể. Bà nói: “Con gái mẹ mang bầu mà còn phải lo nấu nướng, dọn dẹp nhà cửa. Như thế làm sao chịu được!”.
Để giải quyết vấn đề, tôi thuê người giúp việc. Tưởng rằng mẹ vợ sẽ yên tâm, ai ngờ bà càng không vui. Mỗi lần đến nhà chơi, bà đều mang theo rất nhiều món ngon, rồi không quên nói mát: “Thương nhất cháu ngoại tôi, ở nhà riêng chắc gì đã được ăn uống tử tế. Phải chi bố nó chịu thiệt thòi một chút thì 2 mẹ con nó đâu đến nỗi thế này!”.
Tôi bất lực. Với tôi, vợ là tất cả. Tôi cố gắng chăm sóc cô ấy tốt nhất có thể, nhưng trong mắt mẹ vợ, tôi vẫn chỉ là gã chồng vô tâm.
Khi vợ sinh, tôi chọn bệnh viện quốc tế tốt nhất, chi trả toàn bộ chi phí để cô ấy được thoải mái. Mẹ vợ lên chăm con gái ở cữ. Thời gian đầu, bà tỏ ra hài lòng. Nhưng rồi chỉ chưa đầy hai tuần, bà đã tỏ thái độ, thu dọn đồ đạc đòi về. Tôi đi làm về, thấy mẹ vợ đang gói ghém vali trong khi vợ tôi bế con khóc nức nở. Hỏi lý do, bà quay ra trách tôi: “Gọi mẹ anh sang mà chăm con dâu!”.
Thì ra, mọi chuyện bắt nguồn từ một chiếc bánh kem. Vợ tôi nhân ngày sinh nhật mẹ tôi đã lặng lẽ đặt một chiếc bánh để sau giờ làm, tôi có thể mang qua nhà tặng mẹ. Không ngờ mẹ vợ nhìn thấy chiếc bánh trong tủ lạnh, liền nổi giận. Bà trách vợ tôi: “27 năm nay, mẹ chưa bao giờ nhận được một cái bánh kem từ con. Vậy mà lại nhớ ngày để làm sinh nhật cho mẹ chồng!”.
Dù vợ tôi cố giải thích rằng cô ấy chỉ muốn tạo mối quan hệ tốt với mẹ chồng, nhưng mẹ vợ vẫn không nguôi giận. Bà nói, suốt những năm tháng nuôi dạy, chăm sóc con gái, bà luôn dành cả tấm lòng yêu thương. Nhưng giờ đây, con gái bà lại chỉ biết nghĩ cho người ngoài, hết nghe lời chồng ở riêng, giờ lại tổ chức sinh nhật cho mẹ chồng.
Mẹ vợ bỏ đi trong cơn tức giận. Vợ tôi khóc rất nhiều, vừa thương mẹ, vừa áy náy vì cảm thấy có lỗi. Tôi cố gọi điện xin lỗi mẹ vợ, nhưng bà chỉ trách móc, không chịu nguôi ngoai. Tôi thực sự không biết phải làm sao để hàn gắn mối quan hệ này. Một bên là gia đình vợ, một bên là sự cố gắng xây dựng tổ ấm riêng, tôi thấy mình như đứng giữa hai dòng nước ngược.