Khẩu nghiệp là từ ngữ phổ thông được giới trẻ thường xuyên sử dụng nhưng thực chất nó lại có căn nguyên từ rất lâu đời. Trong kinh Phật, cụm từ này được xem là một trong những nghiệp nặng mà con người phải trả giá khi gieo nhân ác. Đồng thời, đây cũng là loại nghiệp dễ mắc phải nhất và thường bị mọi người bỏ qua.
Trong suốt hơn 1700 năm kéo dài từ Đông Hán đến Minh Thanh, theo chính sử ghi lại, gia tộc họ Vương ở Lang Gia, Sơn Đông đã bồi dưỡng được 36 hoàng hậu, 36 phò mã và 35 tể tướng. Đây chính là gia tộc được đánh giá là danh giá nhất lịch sử Trung Hoa mà chỉ với gia huấn gồm vỏn vẹn 6 chữ “Ngôn nghi mạn, tâm nghi thiện” (Nói nên chậm, tâm nên thiện). Biết cách ứng xử vẫn là bí quyết giúp cuộc sống con người ta trở nên tốt đẹp.
Tục ngữ có câu: “Học ăn, học nói, học gói, học mở”. Học giao tiếp là học cả đời. Ứng xử đúng mực là phép tắc quan trọng và tối thiểu nhất mà một người văn minh nên làm được. Chúng ta sinh ra không phải ai cũng sở hữu sự khéo léo trong giao tiếp. Ở đời, lỡ miệng nói một câu khiến người khác không hài lòng là “sai một bước, đi một dặm”.
Bệnh từ miệng mà vào, họa từ miệng mà ra. Mỗi người đều cần phải có trách nhiệm về lời mình đã nói ra. Có những lời mà người nói vô tâm, người nghe hữu ý. Trong lúc tùy ý mạnh miệng đã vô tình tạo ra vô số kẻ thù mà không hay biết. Và tốt hơn cả, “tâm nên thiện” để mỗi lời nói ra, dù không rút lại được, cũng không mang tính ác ý hay trù ẻo.
Theo Phật dạy thì trong 10 nghiệp lớn của con người, có 4 nghiệp từ miệng gây ra: chuyện không nói có, chuyện có nói không; nói lời ác ý; nói hai lời, người hai mang và nói lời thêu dệt. Tu được cái miệng là tu hơn nửa đời người, rất nhiều người trong cuộc sống hàng ngày vẫn đang vô thức mắc phải “khẩu nghiệp” mà không hề hay. Gieo nhân nào gặp quả ấy, đừng vì đôi lời nói ra phút chốc mà gánh nghiệp cả đời.
Khái niệm khẩu nghiệp là gì?
Khẩu nghiệp hay ngữ nghiệp được hiểu nôm na là nghiệp do những lời nói của mình gây ra. Trong cuộc sống hàng ngày, có không ít lần chúng ta lỡ lời hoặc có dụng ý xấu vào lời nói gây nên tổn thương cho người khác. Tất cả những điều này sẽ tích tụ thành nghiệp cho bản thân mà không phải ai cũng nhận thức được.
Theo các ghi chép của kinh Phật, khẩu nghiệp là một trong những nghiệp nặng mà con người tuyệt đối không nên phạm phải. Bởi vì, dù có làm thiện tích đức thì phần phúc đức này cũng khó hòa những giải khẩu nghiệp bạn đã gây ra. Vì vậy, tu khẩu cũng là cách để giúp bạn an nhiên, tích nhiều phúc lành cho bản thân và gia đình.
1. Chuyện không nói có, chuyện có nói không
Một lần nói dối là lỗi của hoàn cảnh, nhiều lần nói dối là lỗi của bản thân. Một khi đã giữ thói nói dối bên mình, cả đời không sửa được. Có những người hễ mở miệng là nói dối, nói dối không chớp mắt, nói dối như một điều hiển nhiên, nói dối đến mức thuận lời, không cần suy nghĩ, đến chính họ còn không cảm nhận được là mình đang nói dối.
Có nhiều loại nói dối: Nói dối với đùa vui, nói dối với mục đích lừa phỉnh, nói dối để khoe khoang, nói dối vì sợ hãi, nói dối để thu lợi bất chính… Có thể chính người nói dối chỉ nghĩ đó là những lời vô thưởng vô phạt không hại đến ai nhưng nói dối đã là điều sai trái với lẽ tự nhiên. Thường tình, điều sai trái với lẽ tự nhiên thì cũng phải chịu ít nhiều tai tiếng, ảnh hưởng đến danh dự, uy tín bản thân.
Tùy theo mục đích của nói dối mà tạo ra nghiệp tội nặng nhẹ khác nhau. Tuy nhiên, có những trường hợp nói dối với mục đích cứu giúp hoặc bảo vệ tính mạng cho người khác thì không nên coi là “khẩu nghiệp”.
2. Nói lời ác ý
Người nói lời hung ác thường chủ ý từ tâm không thiện. Đả thương lòng tự trọng của người khác, chửi mắng người khác, làm phương hại danh dự người khác là họa từ miệng ra, nói lời hại người lại chính là hại mình, tự mang phiền toái đến cho mình.
Tâm ác thì nói ác rồi làm ác, thân khẩu ý đều ác thì ngày xuống địa ngục không còn xa. Nhà Phật quan niệm, nghiệp là hành động tạo tác nhiều lần có chủ ý, cùa thân, miệng và ý, nguyên nhân đưa tới quả báo, cả hai “nghiệp” và “quả báo” tạo thành “luật nhân quả”, tuần hoàn không dứt, đưa con người luân hồi khắp sáu cõi.
Nói lời ác ý, dù là để tự vệ hay tấn công mà làm tổn hại đến danh dự, nhân cách của người khác cũng đồng nghĩa với việc bạn đã tự tích thêm nghiệp quả cho mình. Chẳng thiếu gì những người “khẩu nghiệp” cho sướng miệng, dùng toàn những lời cay cú chửi bới nhục mạ người khác, bỏ lơ hậu quả mình gánh chịu. Tôn trọng người khác cũng như tôn trọng mình, hãy nhớ mình nói những lời không hay, trước tiên, đó cũng thể hiện lối sống thiếu phẩm chất, đạo đức, văn minh trong lời nói, trong giao tiếp và dẫn đến hạ thấp uy tín của tự thân.
3. Nói hai lời, người hai mang
Kẻ ăn nói không có chính kiến, người hai lời, “gió chiều nào xoay chiều đấy”, lúc nói thế này lúc nói thế kia, châm ngòi ly gián, cố tình gây mâu thuẫn nội bộ và chỉ biết vun vén hưởng lợi riêng về mình. Loại người này rất nguy hiểm, dùng lời lẽ hại người, là tạo nghiệp ác chứ không đơn thuần chỉ là nói sai sự thật.
Trong xã hội hiện nay, nhiều người online trên mạng xã hội như facebook, Twitter… thường dùng những lời lẽ ác ngữ, thô tục, xúc phạm đến người khác cũng đã trở thành một hiện tượng. Mặc dù họ không ám chỉ đích danh một ai, nhưng đây cũng là việc mà tất cả chúng ta nên tránh.
4. Nói lời thêu dệt
“Tam sao thất bản”, nghe một câu mà thêu dệt thành 10 câu. Mình nghe được câu gì thì cũng đừng nên “thêm mắm thêm muối”, lỡ nửa lời là gây ra lỗi lầm. Lời mình nói ra nên chắc chắn, chỉ nên vừa đủ nghe, vừa đủ hiểu và vừa đủ chân thành.
Hãy thử tưởng tượng mình là nhân vật chính trong câu chuyện và chắc chắn bạn cũng chẳng hề hài lòng khi thấy câu chuyện của mình bị “thiên biến vạn hóa” thành một câu chuyện của người khác. Lời nói không đúng sự thật tạo ra những hậu quả xấu, làm hại cho chính người nói ra và những người liên quan.
Trong kinh Phật cũng dạy, có 4 kiểu người ở đời chúng ta nên tránh:
1. Hay đổ lỗi cho người khác
2. Hay nói chuyện mê tín, tà kiến
3. Khẩu Phật, tâm xà
4. Làm ít kể lể nhiều
Tây phương có câu: “Trước khi nói phải uốn lưỡi bảy lần”. Đã sống trên đời thì nên tạo phúc tạo phần, không nên gây nghiệp.
Hãy ghi nhớ phần miệng là gieo tạo nghiệp nhiều nhất. Học ăn, học nói là học cả đời. Của cải làm ra bao nhiêu cũng hết nhưng những lời tâm ý sẽ trường tồn đời này qua đời khác, giá trị bạn trao đi cũng chính là những gì bạn nhận lại. Người nói lời cao đẹp, yêu thương thì trong tâm luôn cảm thấy thanh thản, bình an và ngược lại.
Họa từ miệng mà ra
Khẩu nghiệp là thứ con người thường xuyên mắc phải. Khẩu: miệng, lời nói. Khẩu nghiệp là cái nghiệp do lời nói từ miệng mình gây ra, nên khẩu nghiệp cũng được gọi là ngữ nghiệp.
Tác dụng của lời nói có thể xoa dịu nỗi đau trong lòng, làm vơi đi những tâm trạng buồn. Lời nói nhã nhặn, lời khuyên đúng lúc có thể làm thay đổi suy nghĩ tiêu cực của người khác. Ngược lại, lời nói cũng có thể đưa con người vào vực thẳm của tội lỗi, có thể khiến người ta ăn năn hối hận cả cuộc đời.
“Lời nói không là dao/ Mà cắt lòng đau nhói/ Lời nói không là khói/ Mà khoé mắt cay cay/ Lời nói không là mây/ Mà đưa ta xa mãi/ Sao không ngồi nghĩ lại/ Nói với nhau nhẹ nhàng”…
Một lời nói ra như bát nước hắt đi, có hối hận cũng đã muộn. Cố kinh vân: “phù sĩ xử thế, phủ tại khẩu trung, sở dĩ trạm thân, do kỳ ác ngôn”. Nghĩa là, xét người ở đời, búa để trong miệng, sở dĩ giết người, do lời nói ác. Cổ nhân cũng có dạy: “Bệnh tùng khẩu nhập, hoạ tùng khẩu xuất” nghĩa là: bệnh từ cái miệng do ăn uống mà đem vào, họa cũng từ cái miệng do nói chuyện thị phi mà tạo ra.
Trong tích truyện nhà Phật có kể, một hôm, đức Phật đi truyền đạo ở vùng của Bà La Môn giáo. Các tu sĩ Bà La Môn thấy đệ tử của mình theo Phật nhiều quá nên căm giận ra đón đường Phật đi qua để chửi rủa. Đức Phật vẫn đi thong thả, các tu sĩ theo sau bén gót không ngừng tung ra những lời nhục mạ. Thấy đức Phật thản nhiên như không, họ lại càng tức giận hơn nữa, chặn đường đức Phật mà chất vấn: Ngài có bị điếc không?
Phật bình tâm trả lời: Ta không điếc. Họ căn vặn: Ngài không điếc vì sao không nghe thấy chúng tôi chửi? Đức Phật trả lời: Này các Bà La Môn, nếu nhà ông có đám tiệc, thân nhân tới dự. Khi họ ra về, ông tặng quà mà họ nhất quyết không nhận thì quà đó về tay ai? Quà ấy về tay tôi chứ còn gì nữa! Phật bảo: Đúng thế. Ông chửi ta cũng vậy. Ta không nhận thì nó về tay ai? Người ấy đáp rằng, lễ vật vẫn là của ông ta.
Đức Phật liền nói: “Nay ông mắng nhiếc ta, nhưng ta không nhận, ông tự mang vào thân ông vậy. Cũng giống như âm vang là do nương theo tiếng mà có, như bóng do hình mà thành, cuối cùng vẫn chẳng tránh được. Hãy thận trọng, chớ nói lời mắng nhiếc, ác ngữ”!
Tu cái miệng
Miệng có thể nhả ra hoa hồng, cũng có thể nhả ra loài cây gai góc xấu xí và để miệng nhả ra hoa hồng, con người có khi cần phải tu cả đời. Tu khẩu đức thực ra là tu tính khí của bản thân. Khẩu đức có tốt, vận thế mới hanh thông, vận thế hanh thông mới không phải đi đường vòng, thành tựu nhờ đó mà có được một cách dễ dàng thuận lợi.
Trong bài “Tu cái miệng là tu hơn nửa đời người”, thầy Viên Thành viết: Của cải dù to lớn như núi, nhưng cái miệng ăn lâu ngày cũng hết. Phước đức dù cực khổ gieo tạo nhiều đời, nhưng do cái miệng tạo nghiệp, phê bình, chỉ trích, nói lời ác… thì trong giây phút cũng có thể tiêu tan. Làm ơn hay bị măc oán, cũng do cái miệng nầy hay kể công, mắng nhiếc, nói sỉ nhục người.
Và thầy Viên Thành dạy “phép tu” cái miệng như sau: Trong cuộc sống hằng ngày chúng ta thường đối đãi với nhau, cái miệng phải luôn mỉm cười, nhạy lời xin lỗi và trọng lời cảm ơn. Phải tương kính, dùng ái ngữ, không tiếc lời khen, tán dương, ca tụng, truyền rao những người tốt, việc tốt, những điều hay, lẽ phải để nhân những điển hình tốt đẹp ra thêm làm tô thắm cuộc đời, nhưng rất dè dặt tiếng chê.
Không nói dối, mà phải nói những lời chân thật. Không nói lời thêu dệt, mà nói những lời trung thực. Không nói lời đâm thọc, mà nói lời hoà hợp. Không nói lời thô ác, mà nói toàn những lời hòa nhã, thương yêu.
Loại khẩu nghiệp nào có tội nặng nhất?
Ác khẩu là loại khẩu nghiệp khiến bạn có tội nặng nhất
Mỗi loại khẩu nghiệp đều tích nghiệp cho mình nhưng tùy vào từng loại mà mức độ luận tội nặng nhẹ và nhân quả báo ứng mà người đó phải chịu cũng khác nhau. Trong 4 loại khẩu nghiệp trên, ác khẩu được xem là loại khẩu nghiệp có tội nặng nhất.
Ác khẩu gây ra nhiều tổn thương cho người nghe nên nó cũng gây ra tội nặng nhất cho người tạo ra nghiệp này. Tuy nhiên, đây cũng là loại khẩu nghiệp mà nhiều người phạm phải nhất. Đặc biệt, ác khẩu với những người có ơn với mình hoặc người thân ruột thịt của mình thì nghiệp mang đến sẽ càng nặng nề hơn.
Những báo ứng do khẩu nghiệp gây ra?
Khẩu nghiệp là một trong những loại nghiệp nặng nhất nên nhà Phật rất coi trọng, luôn nhắc nhở chúng ta tuyệt đối không được phạm phải. Bởi vì, những báo ứng mang đến đều vô cùng nặng.
Dưới đây là những báo ứng thường gặp mà một người mắc nghiệp này có thể phải trả giá:
Những người thường xuyên oán thán cả đời bần hàn thì rất khó có được cuộc sống an yên.
Người hay chửi rủa chì chiết, quát mắng người khác thì ít được người khác yêu thương, lúc hoạn nạn không ai giúp đỡ, chia sẻ.
Người hay ba phải, nịnh nọt thì ít được trọng dụng, khó thăng tiến. Dù có thăng tiến như mong muốn thì cũng khó ngồi vững, nhanh chóng bị người khác hạ bệ.
Người hay châm chọc, đặt điều thì khó có được người bạn tâm giao. Cuối cùng, họ chỉ độc hành trên con đường sự nghiệp lẫn cuộc sống.
Hướng dẫn cách tu khẩu dưỡng phúc
Tu khẩu là một cách giúp bạn tích đức, dưỡng phúc cho bản thân, gia đình
Tu khẩu là hình thức tu mà bất kỳ ai cũng nên thực hiện. Tay dâng hoa thắp hương, miệng ăn chay niệm Phật cũng rất khó có thể “đỡ” được nghiệp từ một lần lỡ lời. Vì thế, việc tu được khẩu sẽ mang đến nhiều phúc đức, may mắn cho bản thân hơn.
Có rất nhiều cách để tu khẩu dưỡng đức và bạn có thể tập thu từ những điều nhỏ nhặt sau đây:
Không được lấy điều chưa tốt của người khác để chế nhạo, giễu cợt họ.
Không được đơm đặt, nói xấu hoặc nói không đúng sự thật về người khác.
Không được lớn tiếng quát mắng những người xung quanh bằng các lời nói thô thiển, xúc phạm họ.
Đối với bố mẹ, người thân trong gia đình, không nên nói những lời cay đắng khiến lòng họ bị tổn thương.
Tuyệt đối không nói lời lừa gạt, dối trá vào những người đã đặt niềm tin ở mình.
Tuyệt đối không phỉ báng thần linh hoặc nói những lời không tốt về tín ngưỡng của người khác.
Bài viết trên đây là toàn bộ những thông tin chia sẻ về khẩu nghiệp cũng như các loại khẩu nghiệp không phạm phải. Mong rằng các thông tin này sẽ hữu ích với bạn, giúp bạn hiểu hơn về các loại khẩu nghiệp cũng như cách tu khẩu dưỡng phúc.