Chào đời không có hậu môn lại bị thiểu năng trí tuệ, nghểnh đầu, mắt lác, bé Thiện bị cha nhẫn tâm chối bỏ ngay từ khi mới lọt lòng.
Bị cha chối bỏ từ khi lọt lòng
Chiều muộn, bé Lê Văn Thiện (7 tuổi, trú khối Tân Sơn, phường Quỳnh Thiện, thị xã Hoàng Mai, tỉnh Nghệ An) ngồi trước hiên nhà cũ nát, dáng người nhỏ thó, khuôn mặt khờ khạo, nhăn nhó hướng về phía đầu ngõ ngóng đợi mẹ đi nhặt phế liệu về. Chiếc quần Thiện mặc ướt sũng vì đi tiểu không chủ động.
Vừa về đến nhà, đặt gánh phế liệu xuống đất, chị Lê Thị Thanh (44 tuổi, mẹ bé Thiện) lau vội đôi tay lấm lem vào vạt áo rồi vào thay quần cho con. Dường như đợi mẹ quá lâu, bé Thiện oà khóc nức nở. Chị Thanh chỉ biết ôm con vào lòng dỗ dành, an ủi.
“Khổ thân, 7 tuổi rồi mà nó nhỏ thó, khù khờ, nói bập bẹ đôi ba câu, vệ sinh không tự chủ, đi chơi không biết đường về. Khi mới sinh ra, biết con không có hậu môn, nghểnh đầu, bố bé đã chối bỏ trách nhiệm, biệt tích từ đó”, chị Thanh chia sẻ.
Chị Thanh vốn không được thông minh, nhanh nhẹn như những người phụ nữ khác. Gần 30 tuổi, trở thành gái quá lứa lỡ thì nhưng khát khao làm mẹ cháy bỏng, chị quyết định “xin” một đứa con để sau này sớm tối bên nhau. Bé Lê Thị Thanh Thảo (15 tuổi) chào đời trong hoàn cảnh như thế, không có cha, mang họ mẹ, lớn lên trong tình thương của gia đình bên ngoại.
“Khi con gái lên 7 tuổi, tôi gửi con nhờ mẹ và các dì chăm sóc để xa nhà đi cuốc rẫy thuê. Thời gian này tôi quen một người đàn ông và họ hứa sẽ chăm sóc mẹ con tôi suốt đời.
Rồi tôi mang thai, những tưởng sẽ hạnh phúc khi có một gia đình đúng nghĩa. Nào ngờ khi sinh con khuyết tật, anh ta chối bỏ, biệt tích luôn đến giờ. Nhìn con vừa chào đời đã gánh chịu bất hạnh, nghĩ đến người đàn ông mình tin yêu phụ bạc, tôi suy sụp tinh thần. Nhưng rồi nghĩ đến con, tôi lại gắng ngượng, nuốt nước mắt vào trong ôm con nằm viện giành giật sự sống”, chị Thanh tâm sự.
Tương lai mịt mù
Hoàn cảnh khó khăn, không công ăn việc làm ổn định, ngoài trông chờ vào số tiền trợ cấp xã hội 700 nghìn đồng/ tháng mà cháu Thiện nhận được thì hàng ngày chị Thanh đi nhặt phế liệu quanh làng. Những hôm mưa gió, chị lại tranh thủ ra đồng bắt ốc về bán. May mắn lắm mỗi ngày cũng kiếm được 30.000 đến 50.000 đồng, đủ để 3 mẹ con chi tiêu một cách tằn tiện.
“Ngày chị Thanh sinh bé gái đầu lòng, công ty xi măng Nghi Sơn đã xây tặng căn nhà tình thương trong đất của cha mẹ tôi cho 2 mẹ con có chỗ ở. Khi sinh cháu Thiện không có hậu môn, khuyết tật, mẹ tôi lại phải bán 5 mét đất cho chị ấy lấy tiền chi phí phẫu thuật, chữa trị cho con.
Năm ngoái, căn nhà tình thương của 3 mẹ con chị ấy ở xuống cấp trầm trọng, trường THCS Quỳnh Thiện nơi bé Thảo (lớp 8) theo học đã hỗ trợ 30 triệu đồng xây 2 gian nhà nhỏ bên cạnh để 3 mẹ con có chỗ ở. Tiền bán đất chữa bệnh cho bé Thiện đã hết sạch mà bệnh tình của cháu vẫn không tiến triển. Dù đã có hậu môn nhưng đại tiểu tiện không chủ động lại khù khờ, ương dại. Thương cho số phận mẹ con chị ấy nhiều lắm nhưng chúng tôi cũng khó khăn nên không thể giúp đỡ được gì nhiều”, chị Lê Thị Thuỷ (em gái chị Thanh) chia sẻ.
Điều an ủi, hi vọng duy nhất với chị Thanh là cô con gái lớn rất ngoan, siêng năng, và rất thông minh, học giỏi. Ngoài giờ học, Thảo thường tranh thủ phụ giúp mẹ công việc nhà, chăm sóc em. Thảo ước sau này sẽ làm bác sĩ để đỡ bớt gánh nặng cho mẹ và chữa bệnh cho em.
Phân loại mớ phế liệu vừa nhặt được vào những chiếc bao tải, chị Thanh thở dài “Đời tôi vất vả mấy cũng trải qua rồi, giờ chỉ lo cho con trai, bệnh tật hành hạ, héo hon từng ngày mà không tiền chữa trị. Nghĩ đến tương lai con mù mịt mà bất lực, chỉ ước gánh bệnh tật thay con”, chị Thanh thở dài chia sẻ.