Hết lòng chăm lo cho con cháu để rồi biết được sự thật đau lòng. Con trai hiếu thảo thế này khiến tôi khó mà mừng nổi.

Đêm ấy, tôi không sao chợp mắt được. Những ký ức xưa cũ và hiện tại cứ ùa về, khiến lòng tôi quặn thắt

Sau khi nghỉ hưu, tôi quyết định lên thành phố để chăm sóc con giúp vợ chồng con trai, để lại chồng một mình ở quê. Tôi biết ông ấy có tuổi, sức khỏe lại không được tốt nhưng thương con thương cháu, tôi chẳng thể từ chối lời nhờ vả của vợ chồng chúng nó.

Tôi sống chung với vợ chồng con trai, cả 2 đứa đều có công ăn việc làm ổn định, nhưng có lẽ sinh hoạt ở thành phố đắt đỏ quá nên tôi thấy gia đình chúng nó chẳng mấy dư dả. Tôi cũng thương nên đưa một phần lương hưu cho chúng nó xoay xở cuộc sống. Lương hưu của tôi được 6 triệu mỗi tháng, nhưng chẳng mấy chốc tiêu hết vào sinh hoạt phí cho gia đình con trai. Nhiều lúc tôi cũng tủi thân nhưng lại nghĩ mình là mẹ, giúp đỡ con cái cũng là bổn phận nên chẳng dám than phiền.

Thời gian cứ thế trôi qua, chớp mắt đã bốn năm. Cháu gái cũng lớn rồi, hơn nữa sức khỏe của chồng tôi bắt đầu sa sút rõ rệt nên tôi trở về quê. Chồng tôi bị đau dạ dày, huyết áp cao, lại ăn uống không điều độ khi tôi vắng nhà. Sáng ra ăn ngoài quán, trưa ăn ở căng tin, tối thì gọi đồ ăn hoặc ăn mì gói qua loa.

Một đêm, tôi bỗng thấy chồng có biểu hiện lạ. Ông bị chảy nước dãi, nói không rõ lời. Linh cảm có chuyện chẳng lành, tôi gọi xe cấp cứu ngay lập tức. Bác sĩ chẩn đoán ông bị xuất huyết não, phải chuyển lên bệnh viện tuyến trên trong tình trạng nguy kịch.

Khi đến nơi, chồng tôi đã rơi vào hôn mê. Dù bác sĩ cố gắng hết sức, nhưng sau ba tháng điều trị, ông ấy không qua khỏi.

Sau khi chồng mất, con trai khuyên tôi bán nhà ở quê để chuyển lên sống cùng vợ chồng nó nhưng tôi từ chối. Nhà là nơi tôi và chồng đã gắn bó cả đời, rời đi thì biết dựa vào đâu khi tuổi già?

Gần đây, con trai gọi điện báo tin bố vợ nó phải nhập viện vì bệnh tim. Nghe xong, lòng tôi bỗng nhói lên. Từ ngày chồng mất, mỗi lần nhắc đến bệnh viện, tôi lại thấy sợ hãi và bất an. Dù vậy, tôi vẫn lấy hết can đảm lên bệnh viện thăm ông thông gia.

Khi tôi tới, ông thông gia vừa trải qua ca phẫu thuật, sức khỏe còn yếu. Bà thông gia đang túc trực bên giường, thấy tôi liền vồn vã chào hỏi, rồi không ngớt lời khen ngợi con trai tôi:

– Thằng Khánh nhà chị giỏi quá, nó chu đáo và tận tình lắm! Nếu không có nó, vợ chồng tôi không biết xoay xở thế nào. Nó lo từ thủ tục nhập viện, giấy tờ đến vệ sinh cá nhân cho ông nhà tôi. Các y tá còn tưởng nó là con trai ruột chứ ai nghĩ nó là con rể đâu!

Bà ấy nói tiếp, giọng đầy tự hào:

– Nó còn nấu cháo mang vào cho tôi và ông nhà. Tôi cảm thấy chị may mắn khi có một đứa con trai hiếu thảo như thế. Chi phí điều trị cũng đều do cháu lo liệu hết.

Khánh là con trai tôi. Nghe những lời khen ngợi từ bà thông gia, đáng ra tôi phải tự hào, nhưng trong lòng lại trĩu nặng.

Ngày chồng tôi nằm viện, con trai nói bận công việc nên chỉ ghé thăm được vài lần. Còn con dâu, suốt ba tháng chỉ đến đúng hai lần. Toàn bộ việc chăm sóc chồng, từ cơm nước, vệ sinh, đến lo thủ tục nhập viện đều do một tay tôi lo liệu. Con trai chưa từng rót cho bố một cốc nước chứ đừng nói nấu cháo hay đút ăn.

Vậy mà khi bố vợ nhập viện nó lại khác hẳn. Nghĩ đến đây, tôi không khỏi so sánh và cảm thấy đau lòng.

Trở về nhà, lòng tôi nặng trĩu. Đáng ra tôi phải mừng vì con trai mình là người hiếu thảo. Nhưng tại sao nó lại chỉ hiếu thảo với nhà vợ? Còn vợ chồng tôi là bố mẹ ruột, là người đã sinh ra và nuôi nấng nó lại không được đối xử như vậy?

Đêm ấy, tôi không sao chợp mắt được. Những ký ức xưa cũ và hiện tại cứ ùa về, khiến lòng tôi quặn thắt. Liệu sau này, khi tôi già yếu, tôi có thể trông cậy vào con trai không? 

Chia sẻ bài viết:

Theo Tạp chí Sở hữu trí tuệ Copy link

Link bài gốc

Copy Link
https://sohuutritue.net.vn/het-long-cham-lo-cho-con-chau-de-roi-biet-duoc-su-that-dau-long-con-trai-hieu-thao-the-nay-khien-toi-kho-ma-mung-noi-d107575.html