Theo báo Tiền phong, Hà Nội là địa phương có quy mô giáo dục đứng đầu cả nước với gần 3.000 trường mầm non, tiểu học, THCS – THPT và 29 trung tâm giáo dục thường xuyên. Toàn thành phố hiện có gần 2.3 triệu học sinh.
Tuy nhiên, ở bậc THPT hiện mới chỉ có 117 trường công lập, ít hơn các bậc THCS, tiểu học, mầm non. Điều này gây khó khăn, áp lực rất lớn đối với học sinh tốt nghiệp THCS thi tuyển vào lớp 10. Hằng năm, số học sinh tuyển vào lớp 10 THPT công lập mới chỉ đáp ứng được ở mức 60 – 62%.
Theo lãnh đạo Sở GD&ĐT Hà Nội, ở bậc THPT các loại hình trường học đảm bảo đáp ứng đủ chỗ học cho học sinh. Tuy nhiên, khối trường công lập khó khăn dồn về một số quận nội thành đông dân cư có số học sinh tăng nhanh. Ngành đã có tham mưu, đề xuất thành phố dành nguồn lực để xây mới thêm trường THPT công lập đưa vào sử dụng.
Cụ thể, năm học tới có 2 trường THPT công lập đi vào hoạt động. Giai đoạn 2025-2030, Thủ đô sẽ có thêm 30-35 trường công lập mới, đáp ứng nhu cầu học tập của học sinh. Các quận huyện đã dành quỹ đất để xây dựng trường và hiện nay đang trong giai đoạn rà soát lại. Ví dụ như, quận Cầu Giấy sẽ xây mới thêm 3 trường THPT công lập; quận Hoàng Mai, Đông Anh… cũng sẽ xây thêm trường.
Đặc biệt, 7 trường liên cấp tiểu học, THCS – THPT tiên tiến hiện đại hiện nay kế hoạch đầu tư công trung hạn đã bố trí nguồn vốn để xây dựng. 4/7 đơn vị đã có chủ trương đầu tư và Hội đồng nhân dân thành phố Hà Nội sẽ thông qua chủ trương này nhằm làm tiền đề cho các đơn vị triển khai thực hiện dự án. Khi các dự án đi vào hoạt động sẽ hỗ trợ khắc phục tình trạng thiếu trường lớp ở một số quận, huyện đông dân cư.
“Với quyết tâm ưu tiên xây dựng trường lớp, một số nơi chủ đầu tư có quy hoạch xây dựng trường học, Sở GD&ĐT Hà Nội cũng đã đề xuất quyết liệt với thành phố, trong quá trình phê duyệt dự án các chủ đầu tư phải xây dựng trường học để đảm bảo có nhà cao tầng, có chỗ học cho học sinh”, lãnh đạo Sở GD&ĐT Hà Nội nói.