Giáo viên công lập không được đăng ký hộ kinh doanh để dạy thêm

Giáo viên thuộc các trường công lập không được tổ chức, điều hành, quản lý lớp học thêm mà chỉ được tham gia dạy thêm ngoài nhà trường theo hợp đồng, do đó không được đăng ký hộ kinh doanh để dạy thêm ngoài nhà trường.

Theo báo Thanh niên, ngày 14.2, ông Trần Sĩ Thành, Phó giám đốc Sở GD-ĐT Đắk Nông, cho biết triển khai thực hiện Thông tư 29/2024/TT-BGDĐT (Thông tư 29), Sở KH-ĐT đã ban hành văn bản hướng dẫn các tổ chức hoặc cá nhân tổ chức hoạt động dạy thêm, học thêm ngoài nhà trường có thu tiền của học sinh thực hiện đăng ký kinh doanh theo quy định.

Cụ thể, đối với hình thức đăng ký hộ kinh doanh, theo quy định tại khoản 1 Điều 80 Nghị định 01/2021/NĐ-CP không nghiêm cấm giáo viên thành lập hộ kinh doanh. Tuy nhiên, đối với hộ kinh doanh thành lập để tổ chức dạy thêm, học thêm thì chủ hộ kinh doanh sẽ phải quản lý, điều hành và chịu trách nhiệm với các nghĩa vụ phát sinh từ lớp dạy thêm ngoài nhà trường.

Theo quy định tại khoản 3 Điều 4 Thông tư 29, giáo viên thuộc các trường công lập không được tổ chức, điều hành, quản lý lớp học thêm mà chỉ được tham gia dạy thêm ngoài nhà trường theo hợp đồng. Do đó, giáo viên thuộc các trường công lập không được đăng ký hộ kinh doanh để dạy thêm ngoài nhà trường.

Đối với hình thức đăng ký doanh nghiệp, theo quy định tại khoản 2 Điều 17 luật Doanh nghiệp 2020 có 7 nhóm đối tượng bị cấm thành lập và quản lý doanh nghiệp tại Việt Nam. Trong đó, có cán bộ, công chức, viên chức, theo quy định của luật Cán bộ, công chức và luật Viên chức. Như vậy, giáo viên tại các trường công lập là viên chức sẽ không được thành lập và quản lý doanh nghiệp.

Sở GD-ĐT TP.HCM Không cấm dạy thêm học thêm nhưng phải đúng quy định

Về ngành nghề và điều kiện kinh doanh thì tổ chức, cá nhân sử dụng mã cấp 4 (bốn số) tại quyết định số 27/2018/QĐ-TTg (ngày 6.7.2018) của Thủ tướng Chính phủ ban hành hệ thống ngành kinh tế Việt Nam để đăng ký.

Các mã ngành liên quan đến dạy thêm có thể tham khảo, gồm: Giáo dục khác chưa được phân vào đâu, mã ngành 8559; Dịch vụ hỗ trợ giáo dục, mã ngành 8560; Giáo dục thể thao và giải trí, mã ngành 8551; Giáo dục văn hóa nghệ thuật, mã ngành 8552; Hoạt động chuyên môn, khoa học và công nghệ khác chưa được phân vào đâu, mã ngành 7490.

Luật Đầu tư năm 2020 không quy định việc dạy thêm ngoài nhà trường là ngành nghề kinh doanh có điều kiện.

Theo báo Lao động đưa tin từ công ty TNHH Luật Youme:

Tại Điều 3 Thông tư 29/2024/TT-BGDĐT đưa ra các nguyên tắc dạy thêm, học thêm như sau:

Ảnh minh họa

– Dạy thêm, học thêm chỉ được tổ chức khi học sinh, học viên (sau đây gọi chung là học sinh) có nhu cầu học thêm, tự nguyện học thêm và được cha mẹ hoặc người giám hộ (sau đây gọi chung là cha mẹ học sinh) đồng ý. Nhà trường, tổ chức, cá nhân tổ chức dạy thêm, học thêm không được dùng bất cứ hình thức nào để ép buộc học sinh học thêm.

– Nội dung dạy thêm, học thêm không trái với quy định của pháp luật Việt Nam, không mang định kiến về sắc tộc, tôn giáo, nghề nghiệp, giới, địa vị xã hội. Không cắt giảm nội dung dạy học theo kế hoạch giáo dục của nhà trường để đưa vào dạy thêm.

– Việc dạy thêm, học thêm phải góp phần phát triển phẩm chất, năng lực của học sinh; không làm ảnh hưởng đến việc tổ chức thực hiện chương trình giáo dục của nhà trường và việc thực hiện chương trình môn học của giáo viên.

– Thời lượng, thời gian, địa điểm và hình thức tổ chức dạy thêm, học thêm phải phù hợp với tâm sinh lí lứa tuổi, bảo đảm sức khoẻ của học sinh; tuân thủ quy định của pháp luật về thời giờ làm việc, giờ làm thêm và các quy định của pháp luật về an ninh, trật tự, an toàn, vệ sinh môi trường, phòng chống cháy nổ tại khu vực có lớp dạy thêm, học thêm.

Khoản 3 Điều 4 Thông tư 29/2024/TT-BGDĐT nêu rõ rằng, giáo viên thuộc các trường công lập không được tham quản lý, điều hành việc dạy thêm ngoài nhà trường. Do đó, giáo viên tại các trường công lập (bao gồm cả giáo viên ký hợp đồng lao động) không được thành lập hộ kinh doanh (do chính mình đứng chủ hộ) hoặc hộ kinh doanh cá thể (cá nhân kinh doanh) để thực hiện hoạt động kinh doanh dạy thêm.

Đối với giáo viên tại các trường tư thục thì vẫn có thể thực hiện thành lập hộ kinh doanh dạy thêm nhưng phải đảm bảo không tổ chức dạy thêm đối với học sinh tiểu học (trừ các trường hợp bồi dưỡng về nghệ thuật, thể dục thể thao, rèn luyện kĩ năng sống) và không giảng dạy chính học sinh mà giáo viên đó đang được nhà trường phân công dạy học theo kế hoạch giáo dục của nhà trường.

Chia sẻ bài viết:

Theo Tạp chí Sở hữu trí tuệ Copy link

Link bài gốc

Copy Link
https://sohuutritue.net.vn/giao-vien-cong-lap-khong-duoc-dang-ky-ho-kinh-doanh-de-day-them-d266417.html