Trong cuộc sống, chúng ta hay đứng trên quan điểm riêng của chính mình suy xét hành động của người khác. Khi cho rằng mình đã hiểu rõ về họ, tự cho bản thân cái quyền lên án, chỉ trích. Không sống trong điều kiện và môi trường ấy, ta mãi không thể hiểu. Ngưng phán xét để cảm thông và sẻ chia.
Một ngày nọ, trong lần lên lớp giảng bài, giáo sư đã kể với sinh viên câu chuyện về một con lợn, một con cừu và một con bò cùng bị nhốt trong chuồng. Một buổi tối nọ, bác nông dân bước vào chuồng và tiến về phía ba con vật để bắt lấy chúng thì một con trong số đó la hét cực kỳ dữ dội, chống trả mãnh liệt, nhất quyết không thuận theo. Kể tới đây, vị giáo sư dừng lại và hỏi các sinh viên của mình rằng: “Theo các trò, con vật kháng cự nhiều nhất là loài nào?”
Các sinh viên hết sức ngỡ ngàng vì câu hỏi bất ngờ được đặt ra. Thế nhưng, do tò mò về câu trả lời nên sau một hồi ngẫm nghĩ, vẫn có người đứng ra trả lời: “Thưa thầy, em nghĩ đó là con cừu. Loài cừu bản tính hiền lành, nhát gan, chắc nó sẽ sợ người nên khi thấy bác nông dân, nó mới sợ hãi nhất.”
Nghe câu trả lời ấy, vị giáo sư chỉ mỉm cười hiền lành và lắc đầu: “Câu trả lời của trò khá có lý đấy, nhưng chưa đúng đâu.”
Một học sinh khác nhanh nhảu đứng dậy trả lời tiếp: “Thưa thầy, theo em nghĩ là con bò sẽ chống trả mạnh nhất vì nó có hình thể tốt nhất, sức khỏe nhiều nhất và bốn chân mạnh mẽ nhất. Khi nó tức giận hoặc hoảng sợ vì bác nông dân lại gần, nó sẽ là loài phản kháng mãnh liệt.”
Vị giáo sư lại lắc đầu mà không nói gì.
Các học sinh còn lại mới bảo nhau: “Vậy chắc chắn là con lợn rồi.”
Giáo sư mới hỏi họ: “Vậy các em có biết lý do vì sao con lợn lại chống trả mạnh mẽ nhất hay không?”
Đến đây, cả lớp lại im ắng mà không ai có thể trả lời được. Thấy vậy, vị giáo sư mới từ tốn đưa ra lời giải đáp: “Các em hãy thử nghĩ mà xem, bác nông dân bắt cừu có thể để lấy lông, bắt bò có thể để lấy sữa, nhưng nếu ông ấy bắt lợn thì chắc chắn là để lấy thịt mà thôi. Nếu con lợn để bác nông dân bắt được, nó chỉ có một con đường chết duy nhất. Chính vì thế, đó là lý do nó chống trả mãnh liệt nhất, hơn cả loài cừu nhát gan hay loài bò khỏe mạnh.”
Qua câu chuyện tưởng chừng như đơn giản của vị giáo sư, các sinh viên trong lớp dần rơi vào suy tư và im lặng ngẫm nghĩ. Họ nhận ra bài học quan trọng rằng, những người có vị trí khác nhau, có môi trường khác nhau thì sẽ có những suy nghĩ khác nhau.
Trong cuộc sống, chúng ta hay đứng trên quan điểm riêng của chính mình để chỉ trích, đánh giá người khác mà không hiểu rõ về họ. Chúng ta tự cho mình cái quyền tự quyết định đúng sai cho cuộc đời cũng như xã hội.
Cho dù chúng ta nghe về đời sống của họ, nhưng không sống trong điều kiện ấy, trong môi trường ấy thì chúng ta mãi mãi không thể hiểu hết mọi khía cạnh trong đó, không thể cảm nhận được ngọt ngào và cay đắng và người ta đã trải qua. Cho nên, trước khi đưa ra bất cứ lời phán xét hay chỉ trích nào, chúng ta phải luôn đặt mình vào vị trí của người khác, hiểu cho hoàn cảnh của người khác. Từ đó, chúng ta mới có thể cảm thông và chia sẻ với họ bằng những cảm xúc từ tận đáy lòng, trở nên gần gũi hơn, thấu hiểu hơn.
Là con người khôn ngoan, hãy biết bao dung và rộng lượng với mọi người ấy vậy, cuộc sống mới tốt đẹp. Biết suy nghĩ cho người khác, bình tĩnh giải quyết các hiểu lầm và xích mích trong cuộc sống. Có như vậy, các mối quan hệ mới bền chặt và phát triển mạnh mẽ.
Con người sinh ra không ai giống nhau, mỗi người có một câu chuyện và số phận riêng biệt, không thể đánh giá từ bên ngoài nhìn vào để kết tội cho người khác. Hãy học cách tử tế, tôn trọng những người xung quanh bạn, đó cũng là cách để yêu thương bản thân nhiều hơn.