Giảm năm đóng BHXH để hưởng lương hưu: Cốt lõi là tuổi nghỉ hưu

Theo nhiều bạn đọc, có giảm năm đóng BHXH cũng chẳng có ý nghĩa gì, bởi cốt lõi của vấn đề là nên giảm tuổi nghỉ hưu.

Đại diện Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội (LĐ-TB-XH) cho biết dự án Luật BHXH sửa đổi dự kiến trình Quốc hội cho ý kiến lần đầu tại kỳ họp thứ 6, tháng 10-2023. Trong dự thảo Luật BHXH sửa đổi, Bộ LĐ-TB-XH đề xuất giảm số năm đóng BHXH tối thiểu để được hưởng chế độ hưu trí từ 20 năm xuống 15 năm, tiến tới còn 10 năm.

Việc rút ngắn thời gian đóng BHXH nhằm tăng độ bao phủ chính sách an sinh, phù hợp với xu hướng chung của thế giới. Mục đích giảm dần số năm đóng BHXH tối thiểu nhằm tạo điều kiện cho NLĐ tham gia BHXH muộn, có thời gian tham gia BHXH ngắn được tiếp cận và thụ hưởng quyền lợi BHXH.

Xung quanh đề xuất này, Báo Người Lao Động đã có bài viết: “Giảm năm đóng BHXH để hưởng lương hưu: Phải bảo đảm nhu cầu sống tối thiểu” và nhận được phản hồi tích cực của các độc giả.

Một bạn đọc tên Tuấn bày tỏ: “Theo tôi, 20,15,10 năm vẫn chưa ổn, khi tuổi hưu vẫn cao. Vi dụ đóng đủ 10 năm khi mới 30, đóng tiếp tới 62 là 42 năm nữa. Còn nghỉ thì chờ 42 năm nữa mới được hưởng, chưa kể trượt giá sau 42 năm, và còn những phát sinh khác chưa tính được. Mong những người phụ trách làm việc có tâm, tìm giải pháp có thể chấp nhận được, chứ như hồi mua công trái, mỗi tháng mua hết một phần ba lương, mua cả mười tháng ròng, mười năm sau, tính cả gốc lãi nhận đươc chưa bằng mười ngày lương cơ bản hiện hành“.

Đồng quan điểm, một bạn đọc giấu tên góp ý: “Có giảm năm đóng BHXH cũng trả có ý nghĩa gì, hiện nhiều người tuổi họ gần 50 bị mất việc do công ty giảm biên chế. Thử hỏi cái tuổi đó công ty nào tuyển dụng không, giảm năm đóng mà không giảm tuổi thì cũng bằng thừa, họ vẫn rút BHXH 1 lần thôi.

Một bạn đọc tên Hoàng viết: “Quanh đi quẩn lại vẫn là năm đóng chứ BHXH chứ không bao giờ nói đến tuổi nghỉ hưu của người lao Động. Hiện nay rất nhiều lao động đang bị mất việc mà độ tuổi trên 40 dưới 50 thử hỏi họ xin việc làm sao được khi các doanh nghiệp lại ưu tiên những lao động trẻ“. Theo bạn đọc Huỳnh Hoàng Chung, quan trọng hơn là tuổi được hưởng lương hưu, công nhân và người tham gia BHXH tự nguyện khoảng trên 50 tuổi là được hưởng lương hưu là hợp lý, hợp tình.

Bạn đọc Nguyễn Xuân Hoàng góp ý: “Đề nghị hưởng đủ 100% khi đủ 35 năm đóng bảo hiểm xã hội thay vì 75% như hiện nay. Sau đó, người đóng từ năm thứ 36 trở lên thì cứ mỗi năm được tính thêm 1 tháng lương khi tính lương hưu và những ai chưa hưởng trợ cấp thất nghiệp thì cho hưởng đủ các tháng chưa hưởng khi nhận sổ hưu“.

Trước đó, theo báo Lao Động có bài “15 năm đóng BHXH là có thể được hưởng lương hưu”.

Đây là đề xuất mới của Bộ Lao động- Thương binh và Xã hội trong tại Dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội đang được lấy ý kiến các bộ ngành.

Một dự thảo, phải nói là có nhiều điểm mới có lợi cho người lao động.

Giảm thời gian tối thiểu từ 20 năm xuống 15 năm sẽ là một giải pháp mang lại lợi ích kép, để nhiều người có lương hưu hơn, và để giảm làn sóng xếp hàng rút BHXH một lần. Ảnh: Rút BHXH một lần ở Bình Dương/ Nam Dương

Bởi theo đề xuất, với những lao động từ trên 80 tuổi, kể cả không tham gia BHXH, không có lương hưu, ngân sách nhà nước vẫn sẽ chi trả trợ cấp hưu trí xã hội với mức 500 ngàn đồng/tháng.

Có thể quy định chỉ áp dụng cho người từ 80 tuổi trở lên, độ tuổi “cổ lai hy của cổ lai hy”… sẽ khiến chúng ta coi là lẽ đương nhiên. Nhưng nếu nhìn tổng thể, đây là một quy định tiến bộ, trong nỗ lực bao phủ an sinh xã hội tới nhóm người hết tuổi lao động nhưng không có lương hưu.

Phải mở ngoặc thêm, đề xuất tại dự thảo đặt vấn đề giao cho Chính phủ quy định độ tuổi hưởng trợ cấp có thể thấp hơn (80 tuổi), và mức hưởng có thể cao hơn… tuỳ thời kỳ và khả năng đáp ứng của ngân sách.

Đối với người tham gia BHXH tới tuổi nghỉ hưu, Bộ LĐ-TB&XH cũng đề xuất giảm thời gian đóng tối thiểu để có lương hưu từ 20 năm xuống 15 năm.

Còn nhớ khi làn sóng rút BHXH một lần diễn ra nóng bỏng, một trong những nguyên nhân được ông Lê Đình Quảng, Phó Trưởng Ban chính sách pháp luật, Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam nhìn nhận chính là “nút thắt” 20 năm này.

Bởi theo ông Quảng, tuổi đời của số đông người lao động khi nghỉ việc còn trẻ, quy định tối thiểu 20 năm là “quá dài” khiến họ không thể chờ đợi đóng đủ 20 năm để được hưởng chế độ hưu trí.

Đề xuất giảm số năm đóng BHXH tối thiểu từ 20 năm xuống 15 năm là một sự tiến bộ, vì người lao động, chắc chắn thế. Và việc giảm thời gian đóng BHXH tối thiểu có thể sẽ là một giải pháp mang lại “lợi ích kép”: Vừa góp phần chặn làn sóng rút BHXH một lần, vừa giúp gia tăng số lượng người tham gia hệ thống bảo hiểm xã hội.

Nhưng có lẽ, không nên ấn định ở con số 15 năm.

Ông Bùi Sỹ Lợi, Nguyên Phó Chủ nhiệm Uỷ ban xã hội của Quốc hội từng đề xuất giảm mức đóng BHXH để hưởng lương hưu xuống không chỉ 15 năm, mà thậm chí chỉ cần tối thiểu 10 năm, trên cơ sở “mức hưởng phải tính toán hợp lý để người lao động đủ sống”. Lương hưu được xác định dựa trên nguyên tắc đóng nhiều hưởng nhiều, đóng ít hưởng ít thì cơn cớ gì lại cứ ấn định 20 năm hay 15 năm?! Khi 1 năm đóng BHXH cũng là đóng, 10 năm, 15 hay 20 năm cũng là đóng.

Nguồn: An Khánh – Báo Người Lao Động; Báo Lao Động

https://nld.com.vn/cong-doan/giam-nam-dong-bhxh-de-huong-luong-huu-cot-loi-la-tuoi-nghi-huu-20230227090927375.htm

https://laodong.vn/su-kien-binh-luan/tin-vui-15-nam-dong-bhxh-la-co-the-duoc-huong-luong-huu-1150786.ldo

Chia sẻ bài viết:

Theo Tạp Chí Sở Hữu Trí Tuệ Copy link

Link bài gốc

Copy Link
https://sohuutritue.net.vn/giam-nam-dong-bhxh-de-huong-luong-huu-cot-loi-la-tuoi-nghi-huu-d156898.html?demo