Theo báo Vietnamnet, liên quan đến vấn đề giảm năm đóng BHXH để hưởng lương hưu, Bộ LĐ-TB&XH mới đây đã nhận được kiến nghị của cử tri các tỉnh Bắc Kạn và Vĩnh Long nêu về thời gian tham gia BHXH tự nguyện 20 năm như hiện tại là quá lâu, dẫn đến việc người dân không có khả năng đóng phí.
Các cử tri kiến nghị Bộ LĐ-TB&XH cần nghiên cứu, tham mưu Chính phủ trình Quốc hội xem xét sửa đổi Luật BHXH, giảm thời gian tham gia đóng BHXH tự nguyện. Đồng thời, đề nghị quy định giảm số năm tối thiểu đóng BHXH xuống 15 năm, thậm chí 10 năm để được hưởng lương hưu, mức lương hưu tương ứng với thời gian đóng BHXH.
Quy định các chế độ hưởng lương hưu phù hợp theo nguyên tắc đóng nhiều hưởng nhiều, đóng ít hưởng ít, để tạo cơ hội cho những người tham gia muộn hoặc quá trình tham gia không liên tục có thời gian đóng bảo hiểm xã hội ngắn được hưởng lương hưu.
Từ đó khuyến khích người tham gia, hạn chế được tình trạng nhận BHXH một lần do chưa đủ số năm đóng BHXH bắt buộc.
Trả lời các vấn đề của cử tri, Bộ LĐ-TB&XH cho biết, Nghị quyết số 28 của Trung ương về cải cách chính sách BHXH đã nêu rõ, sửa đổi điều kiện hưởng chế độ hưu trí, theo hướng giảm dần số năm đóng BHXH tối thiểu để được hưởng chế độ hưu trí từ 20 năm xuống 15 năm, hướng tới còn 10 năm, với mức hưởng được tính toán phù hợp, nhằm tạo điều kiện cho người lao động cao tuổi, có số năm tham gia BHXH thấp.
Hiện nay, Dự thảo luật BHXH được Chính phủ trình Quốc hội đã đề xuất giảm điều kiện về số năm đóng BHXH tối thiểu, để được hưởng lương hưu từ 20 năm xuống 15 năm.
Theo đó, trường hợp người lao động khi đến tuổi hưu mà chưa đủ điều kiện hưởng lương hưu và cũng chưa đủ tuổi hưởng trợ cấp hưu trí xã hội thì được lựa chọn hưởng trợ cấp hằng tháng, do quỹ BHXH chi trả, cho thời gian trước khi đủ tuổi hưởng trợ cấp hưu trí xã hội, tùy thuộc vào thời gian đóng, tiền lương, thu nhập tháng đóng BHXH của người lao động.
Giảm để người tham gia BHXH muốn có lương hưu
Về đề xuất cửa cứ trị, trao đổi với PV VietNamNet, ông Bùi Sỹ Lợi, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban các vấn đề xã hội của Quốc hội cho hay, sở dĩ, nghị quyết hướng tới giảm thời gian đóng BHXH xuống 15 năm và tiến tới còn 10 năm là nhằm mục tiêu tạo điều kiện cho những người tham gia BHXH muộn (40 -50 tuổi) có thể tham gia được đủ thời gian để hưởng lương hưu.
Tuy nhiên, ông Lợi cũng nói rõ khi giảm thời gian đóng BHXH thì lương hưu của những người tham gia muộn sẽ thấp. Do vậy, chính sách đưa ra cần phải tính toán để đảm bảo mức sàn an sinh xã hội. Đơn cử như hiện nay khi về hưu lương phải được 1,5 triệu mỗi tháng (bằng chuẩn nghèo nông thôn).
Theo ông Lợi, mặc dù giảm thời gian đóng BHXH xuống 15 năm hay 10 năm lương hưu thấp nhưng người về hưu được tham gia BHYT được hưởng các chính sách hưu trí.
Bà Nguyễn Thị Lan Hương – nguyên Viện trưởng Viện Khoa học lao động xã hội (Bộ LĐ-TB&XH) cho rằng, việc giảm thời gian đóng BHXH xuống 15 năm và hướng tới 10 năm không có nghĩa là về hưu lương thấp. Đối với những người tham gia BHXH càng dài, không có gì thay đổi, khi đủ tuổi hưu mức hưởng sẽ càng cao.
Bà Hương cho hay, trước đây nhiều người đóng BHXH không đủ 20 năm hầu hết chỉ được hưởng chế độ một lần, không có lương hưu, đến bây giờ khi về già đa số đời sống đều rất khó khăn. Không có mức thu nhập hằng tháng ổn định, không được đóng BHYT khi ốm đau bệnh tật sẽ rất khó khăn.
Do vậy, đối với những người tham gia BHXH muộn mà có lương hưu vẫn hơn những người về già không được hưởng các chính sách an sinh của chế độ hưu trí.