Đại biểu Quốc hội đề xuất ghi quê cha và mẹ trên thẻ căn cước công dân theo kinh nghiệm quốc tế vì đây là hai nơi mang nhiều ý nghĩa với mỗi người.
Sáng 10/6, Quốc hội chia tổ thảo luận về dự thảo Luật Căn cước công dân sửa đổi. Ở tổ TP HCM, luật sư Trương Trọng Nghĩa băn khoăn về thông tin quê quán trên thẻ căn cước công dân. Lâu nay, quê quán mặc định là quê cha, không có quê mẹ “liệu đã hợp lý hay chưa?”.
“Ghi quê cha trên thẻ căn cước sẽ có ý nghĩa như thế nào? Tại sao mục quê quán lại ghi quê cha mà không phải quê mẹ? Có thể ghi thêm thông tin quê mẹ trên thẻ căn cước công dân hay không?”, đại biểu Trương Trọng Nghĩa nói, đề nghị Ban soạn thảo nghiên cứu.
Theo ông Nghĩa, Ban soạn thảo cũng cần thống nhất ghi “nơi sinh” hay “nơi khai sinh”. Bởi một người có thể sinh ở bệnh viện thuộc tỉnh này nhưng đăng ký khai sinh ở tỉnh khác, dự thảo luật cần thống nhất cách hiểu.
Đồng tình với ông Nghĩa, PGS Trần Hoàng Ngân (Viện trưởng Nghiên cứu phát triển TP HCM), đề nghị Ban soạn thảo xem xét thể hiện cả quê cha (quê nội) và quê mẹ (quê ngoại) trên thẻ căn cước công dân. “Với hầu hết mỗi người, quê mẹ mang rất nhiều ý nghĩa, gắn với tuổi thơ, kỷ niệm”, ông Ngân nói.
Thẻ căn cước công dân gắn chíp. Ảnh: Phạm Dự
Trung tướng Nguyễn Minh Đức (Phó chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh) chung quan điểm với luật sư trương Trọng Nghĩa là nơi sinh và nơi đăng ký khai sinh khác nhau. Hiện Luật Xuất nhập cảnh quy định ghi “nơi sinh” trong khi dự thảo Luật Căn cước ghi “nơi đăng ký khai sinh”. Vì vậy, các trường thông tin ghi trên thẻ căn cước cần cân nhắc cho phù hợp, thống nhất với quy định khác.
Dự thảo Luật Căn cước công dân sửa đổi được Chính phủ trình Quốc hội ngày 2/6. Dự luật đề xuất trên thẻ căn cước bỏ vân tay, đặc điểm nhận dạng và thay thông tin quê quán thành nơi đăng ký khai sinh, nơi thường trú thành nơi cư trú. Cải tiến này theo Chính phủ nhằm tạo thuận lợi cho người dân khi sử dụng thẻ căn cước, hạn chế phải cấp đổi và đảm bảo tính riêng tư; thông tin người dân được khai thác qua chíp điện tử.
Thay nơi thường trú thành nơi cư trú được cho là phù hợp thực tiễn vì nhiều người hiện chỉ có nơi tạm trú, nơi ở hiện tại. Với quy định này, tất cả người dân đều đủ điều kiện được cấp thẻ căn cước; đảm bảo quyền lợi khi có giấy tờ tùy thân làm thủ tục hành chính, giao dịch dân sự.
Việc cấp đổi thẻ căn cước thực hiện theo nhu cầu của người dân. Khi chưa có điều kiện đổi thẻ căn cước mới, công dân có thể tích hợp thông tin vào căn cước điện tử (miễn phí trên ứng dụng VNeID) để làm thủ tục hành chính, giao dịch dân sự, kinh tế, thương mại.
Dự án Luật Căn cước công dân (sửa đổi) sẽ được Quốc hội thảo luận tại hội trường ngày 22/6.
Nguồn: https://vnexpress.net/de-xuat-ghi-que-cha-va-me-tren-can-cuoc-cong-dan-4615957.html?utm_source=facebook&utm_medium=fanpage_VnE&utm_campaign=phuonguyen&fbclid=IwAR3kXm9XhkXAM6t7LtsRiguMGNeAw02sDe_YH2UG6ONcQvKUHTL0H3L2U70