Con cái lập hẳn group “ghét cha mẹ” trên mạng xã hội, các bậc phụ huynh nói gì?
Mạng xã hội là nơi để người dùng thoải mái chia sẻ, nêu quan điểm cá nhân. Từ bao giờ, những đứa con mang ba mẹ của mình lên mạng xã hội để bày tỏ sự bất mãn, căm phẫn, thóa mạ, và thù hằn?
Trong nhóm “Hội những người ghét cha ghét mẹ” khiến người xem không khỏi sốc với các bài đăng chia sẻ của “con cái” dành cho cha mẹ của mình như một trò tiêu khiển khi không được đáp ứng như cầu, hằn học với những cấm đoán, và hân hoan khi thấy người thân của mình gặp nạn.
– Đang leo rank free fire bị ngắt wifi thì có nên **** ông bà già không nhỉ?
– Ông bà già không cho chơi Pubg thì cầm súng nào *** ổng bả đây.
– Hôm nay là ngày vui nhất trên đời tao. Bà già tao bả bị tai nạn đang cấp cứu ở bệnh viện á. Do tình hình dịch bệnh nên tao không vào nuôi bả được. Cuối cùng tao cũng thoát cái cảnh bị chửi 19 năm nay.
Được biết, hội nhóm này được thành lập từ 12/2016, hiện tại có 5,1k thành viên với các điều kiện tham gia không thể hiểu nổi.
Điều kiện 1: Phải có ít nhất hai lần cãi nhau với cha mẹ trong 1 tuần.
Điều kiện 2: Phải có ít nhất ba lần cãi nhau với cha mẹ trong 1 tuần.
Điều kiện 3: Phải kể lại được rành mạch đầu đuôi diễn biến của vụ cãi cọ với cha mẹ ở lần gần đây nhất.
Bên cạnh những “con cái” vào đây để bày tỏ sự “ghét cha mẹ” của mình thì cũng xuất hiện những thành viên phản đối lại các thành phần “con cái” này. Thế là tạo thành những cuộc tranh cãi trong group về vấn đề thay vì lên mạng “than cha trách mẹ” thì không có “con cái” nào nói rõ vấn đề bản thân mong muốn để cha mẹ hiểu và giải quyết triệt để.
– Thực ra thì ghét ba mẹ cũng là chuyện thường tình thôi, do cách đối xử của mỗi bậc ba mẹ như thế nào mà cái group này mới lập ra để giãi bày uẩn khúc của người con”.
Theo những “con cái” mặc định là chỉ cần cha mẹ đi ngược với suy nghĩ của họ là “đáng hận”. Họ chọn đây là nơi để giãi bày cảm xúc khi bị cha mẹ trách la và việc họ có ghét cha ghét mẹ cũng là chuyện thường tình. Vậy cách giãi bày của họ là đòi “sống chết”, đòi “xử lý” ba mẹ của mình, đòi bỏ nhà đi?
Những bậc phụ huynh nghĩ gì khi biết sự tồn tại của hội nhóm này?
Cô H. (tên viết tắt, 40 tuổi) chia sẻ rằng bản thân rất sốc khi vừa đọc qua những bài đăng của các “con cái” trong group này.
“Tôi không hiểu nổi các bạn trẻ ngày nay được cha mẹ cho đi học để tiếp nhận giáo dục và kiến thức để làm gì rồi đem chữ nghĩa lên mạng xã hội “chửi cha mắng mẹ” như thế.
Nếu không có sự thấu hiểu hay chia sẻ thì có bao nhiêu đứa con ngồi trước mặt bố mẹ thẳng thắn trao đổi để được cảm thông? Hay chỉ cần nảy sinh mâu thuẫn là lên mạng xã hội vừa oán vừa trách, đổi lại được cái gì?”.
Tiếp đến là cô H.N khi biết đến tên nhóm và những dòng chia sẻ đến “rợn người” (tên viết tắt, 42 tuổi): “Tôi thấy buồn. Buồn cho những bậc cha mẹ và buồn cả cho những đứa con. Họ đều là những người vô cảm. Cha mẹ thì không chú ý đến cảm xúc của con cái và chỉ dùng đòn roi, chửi bới, coi đó là phương pháp giáo dục tốt cho họ. Từ đây, vô hình trung tạo ra một thế hệ khiếm khuyết và mang trong mình đầy sự thù hằn.
Còn con cái thì ỷ lại cha mẹ, đòi hỏi sự tự do quá đà, quá trớn, sự ích kỉ và chỉ muốn được hưởng thụ tạo nên “cái tôi” quá lớn, không coi ai ra gì. Tuy nhiên, cũng phải nói một phần đến sự phát triển của MXH, nó khiến sự kết nối giữa cha mẹ và con cái trở nên hạn chế hơn”, cô N chia sẻ.
Cùng với những cảm xúc của những bậc phụ huynh trên, cô N.Đ (38 tuổi) cũng chia sẻ: “Xem những cái này tôi thật sư rất buồn. Dù gì cha mẹ cũng là người sinh thành, nuôi nấng con cái. Nếu có mâu thuẫn gì thì cũng nên nói chuyện thẳng thắn hoặc nhờ người lớn trong nhà để nói chuyện giúp đỡ.
Bố mẹ thì luôn mong muốn những điều tốt đẹp , con cái ngoan ngoãn trưởng thành nhưng những người con lại hiểu sai về bố mẹ”.
Tuy nhiên, “mỗi cây mỗi hoa mỗi nhà mỗi cảnh”, chú H.H (50 tuổi) cho biết: “Khi nhìn những dòng bình luận này tôi thực sự rất bức xúc sao bọn trẻ bây giờ lại có những phát ngôn “lạnh gáy” như vậy. Nhưng nhìn đi cũng phải nghĩ lại, mình không trong hoàn cảnh của người ta thì mình không thể phán xét được. Để giải quyết được vấn đề này thì chắc chắn phải thay đổi nhận thức và hành vi của cả cha mẹ và con cái”.