Anh AK, 26 tuổi, ở Naringgul, Cianjur quen “cô gái” tên Adinda qua mạng xã hội năm 2023. Hai người thường xuyên đi dạo, thi thoảng AK đưa bạn gái về gặp gia đình.
Tuy nhiên, mỗi lần hẹn hò, bạn gái anh thường mặc trang phục của phụ nữ Hồi giáo, che kín mặt. Nghĩ cô là người sùng đạo, khó khăn khi giao tiếp với người lạ nên AK không chút nghi ngờ.
Sau hơn một năm yêu, hai người quyết định kết hôn hôm 12/4. Đám cưới được tổ chức đơn giản tại nhà trai và không đăng ký kết hôn, theo yêu cầu của cô dâu. Vợ AK khi đó nói với chồng chỉ sống một mình do mẹ qua đời, cha bỏ đi nên không ai dự đám cưới.
Về làm dâu, Adinda vẫn từ chối giao tiếp với gia đình và hàng xóm. ”Cô” mặc đồ che kín mặt và liên tục kiếm cớ tránh gần gũi chồng.
Cả gia đình AK bắt đầu nghi ngờ nên tìm hiểu kỹ về lai lịch của Adinda. Cuối cùng, họ phát hiện gia đình ”cô” này ở quận Tây Daun. Khi đến nơi, họ biết Adinda không phải trẻ mồ côi mà cha mẹ đều còn sống. Cha Adinda thừa nhận con mình thực chất là con trai, không phải tên như giới thiệu với gia đình chồng.
Thấy bị lừa, gia đình AK trình báo cảnh sát. Người này đã bị cảnh sát Naringgul tạm giữ.
Bripka Ridwan Taufik, người đứng đầu đơn vị điều tra của cảnh sát Naringgul, Cianjur cho biết người đàn ông mạo danh phụ nữ vì muốn lừa tiền của AK. Anh này không thuộc cộng đồng LGBT. ”Lần nào xin tiền cũng thành công đưa nên anh ta mới như vậy. Hiện thủ phạm bị truy tố với mức án 4 năm tù”, Taufik cho biết.
Theo cảnh sát, trong ảnh cưới, anh này có dáng vẻ rất phụ nữ, thậm chí giọng nói cũng chói chứ không trầm như đàn ông nên rất dễ qua mắt người khác.
Người đứng đầu Văn phòng tôn giáo quận Naringgul, Ajah Suryana cho rằng hôn nhân giữa AK và kẻ lừa đảo hoàn toàn có thể được ngăn chặn nếu chú rể tuân thủ quy định về kết hôn.
”Nhà chức trách có thể kiểm tra và xác nhận danh tính cả hai, đặc biệt là kiểm tra giới tính qua chứng minh hoặc giấy khai sinh”, vị này nói.