Mặc dù năm nay đã gần 90 tuổi nhưng bà Hai vẫn tần tảo nuôi 2 chắt ngoại mồ côi bố, mẹ đi lấy chồng khác.
Đó là hoàn cảnh của bà Đoàn Thị Hai (Tạ Quang Bửu, P.5, Q.8). Năm nay đã gần 90 tuổi nhưng bà vẫn phải chăm sóc cho hai đứa cháu mồ côi cơm ngày ba bữa.
Bà Hai xúc động khi nhắc đến hoàn cảnh của gia đình mình
Căn nhà chật hẹp được nhà nước cho ở tạm là chỗ nương náu của 3 bà cháu
Sinh ra và lớn lên tại TP.HCM, vì hoàn cảnh gia đình khó khăn, lại đông con, từ nhỏ bà Hai đã trải qua chuỗi ngày mưu sinh vất vả. Nuôi tận hai mấy đứa cháu nội, ngoại nhưng khi chúng lớn lên, lấy vợ lấy chồng thì bà sống một mình.
Chia sẻ với Trí thức trẻ, bà Hai ngấn nước mắt nói: “Bà con cháu đông nhưng không nhờ được ai cả, đứa thì nghèo, đứa thì làm ăn xa, lâu lâu nhớ tới bà thì gởi về một hai trăm cho. Bà đâu dám đòi hỏi gì. Giờ bà ở với bé Thiện và Thảo, ba bà cháu có gì ăn nấy, nương tựa nhau để sống qua ngày”.
Niềm hạnh phúc lớn nhất của bà Hai lúc này là được ở bên hai đứa cháu tội nghiệp
Theo bà Hai, Phạm Lê Thanh Thiện (12 tuổi) và Thảo là hai đứa cháu của con gái bà. Chúng gọi bà bằng cố ngoại. Thiện ở với bà từ lúc vừa mới lọt lòng, do bố mất sớm, mẹ lại bỏ đi lấy chồng khác, nhà ngoại lại quá nghèo nên bà nhận Thiện về nuôi dưỡng.
Ôm Thiện vào lòng, bà Hai xúc động nói: “Thằng nhỏ ngoan lắm, tội cho nó. Bố mất từ lúc chưa lọt lòng, khi mẹ nó sinh ra được 1 tháng thì bỏ lại cho bà, rồi đi lấy chồng khác, có bao giờ chịu về để thăm con đâu. Mẹ nó cả mấy năm mới về một lần, có khi chỉ gởi một, hai trăm về cho con. Từ nhỏ nó đã ở với bà, lớn lên cũng chẳng biết mặt mũi bố mẹ”.
Có thứ gì ngon, bà Hai đều dành hết cho các cháu
“Thằng bé ngoan lắm, cái gì cũng nghĩ đến cố ngoại. Bà cho nó học đến lớp 4 thì không có điều kiện nữa nên phải nghỉ học, giờ nó phải ở nhà. Con Thảo thì học tới lớp hai, mẹ nó cũng bỏ đi lấy chồng khác, hơn một năm nay nó qua đây sống cùng bà với bé Thiện”, bà Hai nghẹn ngào nói.
Vì cuộc sống gia đình khó khăn, bà Hai lại già yếu, không đi làm được nên 3 bà cháu đều phụ thuộc vào số tiền ít ỏi từ trợ cấp hàng tháng (380.000 đồng) của nhà nước. Thấy bà cố ngoại vất vả, Thiện và Thảo (12 tuổi) xin bà đi bán vé số để phụ giúp nhưng bà Hai không cho. Bà kể: “Lúc trước con bé nó đi bán vé số, bị người ta giật lấy hết, tốn cả mấy triệu để đền cho người ta. Giờ bà không dám cho đi nữa, lỡ có chuyện gì thì lấy tiền đâu mà trả”.
Nụ cười của ba bà cháu trong căn nhà chật hẹp
Cuộc sống khó khăn, số tiền 380.000 đồng trợ cấp mỗi tháng được bà Hai tặn tiện để chi tiêu. Bà cho biết: “Bà chỉ dám mua gạo với muối ớt, muối tiêu, bữa cơm hàng ngày của 3 bà cháu chỉ có vậy chứ không dám ăn uống gì hết. Có cơm ăn đã là tốt rồi, lâu lâu được bà con hàng xóm cho chút cá, chút thịt, bà để dành cho hai cháu. Bà chỉ ăn cơm trắng thôi”.
“Mà trời thương, bà khỏe lắm, có cái tai nó lãng với đi lại khó khăn thôi”, bà Hai cười móm mém.
Kể từ lúc nhận nuôi hai đứa cháu cố ngoại, cuộc sống dù có vất vả hơn nhưng bà Hai cho biết, Thiện và Thảo chính là niềm vui lúc cuối đời của mình. “Bà có tận mấy chục đứa cháu nhưng có đứa nào chịu ở với bà đâu, giờ có hai đứa nó, bà cũng vui vẻ lúc tuổi già”, bà Hai cười chua xót.
Thấy hoàn cảnh gia đình bà Hai khó khăn, chính quyền địa phương đã tạo điều kiện, hỗ trợ cất tạm căn nhà nhỏ để 3 bà cháu có chỗ nương thân. “Nhà này của nhà nước, họ cho bà ở được hơn 3 năm rồi chớ bà làm gì có nhà, thuê trọ thì không có tiền. Họ nói khi nào bà mất sẽ lấy lại, giờ chỉ mong sống thêm vài năm nữa, chờ con Thảo, thằng Thiện lớn lên, có một cái nghề rồi bà chết. Chứ giờ mà mất đi, không biết tụi nhỏ sẽ ra sao”, bà Hai bật khóc.
Nói về ước muốn cuối đời, bà Hai nghẹn ngào: “Bà biết ước gì bây giờ, bà sống vì con, vì cháu, chỉ mong hai đứa nó sớm nên người. Lỡ bà có chết đi, tụi nó cũng biết đường mà sống”.
Cùng cảnh ngộ với bà Hai, câu chuyện của bà Nguyễn Thị Hường (76 tuổi, TP.HCM) cũng khiến nhiều người nghẹn lòng.
Dù đã ngoài 70 tuổi nhưng bà Hường vẫn lụi cụi chăm sóc gần 20 đứa cháu, bất ngờ hơn, trong số đó có 11 đứa là anh em cùng một mẹ, là cháu nội của bà.
Những đứa cháu nằm, chơi la liệt trên sàn nhà của bà Hường
Bà Hường kể ngày trước khi anh Tú (con trai bà Hường) với chị Mén quen nhau và quyết định cưới, bà đã ngăn cản nhiều lần vì biết hai người không hợp. Nhưng con trai bà nhất quyết đòi sống cùng chị Mén cho bằng được rồi đưa chị về nhà sống chung chứ không cưới hỏi gì hết.
Mấy tháng sau, chị Mén sinh đứa con gái đầu lòng. Và cũng từ đây, bà Hường bắt đầu chuỗi ngày tảo tần, cực nhọc khi vừa lo cho mấy đứa con thất nghiệp, vừa phải nuôi nấng những đứa cháu do người con dâu mà bà chưa bao giờ thừa nhận sinh ra.
Sau khi sinh đứa đầu tiên thì đứa thứ hai, thứ ba, rồi thứ tư… lần lượt ra đời đều đặn theo từng năm. Mặc lời khuyên của người mẹ chồng đã lớn tuổi, mặc lời giải thích của hàng xóm xung quanh, chị Mén cứ tiếp tục sinh con. Nhưng giá mà chị chịu nuôi con thì cũng chẳng ai nói gì, đằng này cứ sinh con ra chị lại phó mặc hết cho bà Hường.
Đến đứa thứ sáu, bà Hường không chịu nổi nữa mới nhờ chính quyền địa phương đến nói chuyện, khuyên bảo để cô con dâu của mình hiểu chuyện. Nào ngờ chỉ được một thời gian, chị Mén lại sinh thêm một đứa nữa… “Vậy là tôi nuôi một lúc bảy đứa cháu” – bà Hường kể.
Không dừng lại ở đó, đàn cháu của bà cứ tăng dần lên, đến tròn chục rồi nhưng vẫn chưa dừng lại. Đến năm 2014, chị Mén sinh bé Cát Tường, đứa cháu thứ 11 của bà Hường, đó cũng là lúc các băng nhóm giang hồ bủa vây khắp nhà, hậu quả của khoảng thời gian chị Mén mượn nợ bài bạc, đề đóm. Chị Mén bỏ đi…
Từ khi chị Mén bỏ đi để lại khoản nợ mấy chục triệu đồng, anh Tú xin làm phụ sửa xe ở lề đường. Không đủ để nuôi con, anh xin làm bốc vác tại các bến cảng, ngày nào cũng đi từ sáng sớm đến tối mịt mới về.
Vì quá đông nên những đứa cháu của bà Hường cũng không được học hành tử tế. 11 đứa nhưng chỉ có một đứa học xong lớp 12.