Theo báo Dân trí, báo cáo của Ban chỉ huy phòng chống thiên tai – tìm kiếm cứu nạn và phòng thủ dân sự tỉnh Nghệ An, tính đến 11h ngày 21/7, địa phương này đã ghi nhận thiệt hại về người và tài sản do mưa, lốc ảnh hưởng của cơn bão số 3.
Cụ thể, dông lốc tối 19/7 khiến cành cây gãy, rơi trúng người ông V.T.L. (SN 1966, trú phường Vinh Lộc, Nghệ An) khiến ông này tử vong. Ba trường hợp khác gồm 1 phụ nữ và 2 trẻ em bị cành cây gãy, đè vào người dẫn tới bị thương.
Ông Nguyễn Văn Đệ (áo xanh, thứ 2 từ phải sang), Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An kiểm tra công tác phòng, chống bão ở một số địa phương trong tỉnh (Ảnh: Lê Thạch).
Do ảnh hưởng của mưa lớn kèm dông lốc, đã có 390 công trình nhà ở của người dân bị thiệt hại, trong đó 17 căn nhà bị hư hỏng hoàn toàn, 83 căn nhà bị hư hỏng nặng và rất nặng.
Tỉnh Nghệ An cũng ghi nhận thiệt hại ban đầu về sản xuất nông nghiệp, công trình hạ tầng giáo dục, giao thông, điện…
Tính đến 10h ngày 21/7, các cơ quan chức năng tỉnh Nghệ An đã kêu gọi 2.807 tàu cá /12.608 lao động về nơi neo đậu, tránh trú an toàn. Có 9 phương tiện với 36 lao động đang hoạt động trên biển nhưng ngoài vùng cảnh báo nguy hiểm của cơn bão số 3.
Theo thống kê, tỉnh Nghệ An có 1.061 hồ đập lớn nhỏ, trong đó nhiều công trình đã đầy nước hoặc đạt trên 70% dung tích. Hồ chứa thủy lợi Sông Sào (1 trong 2 hồ chứa thủy lợi lớn của tỉnh Nghệ An) dự kiến bắt đầu xả lũ từ 8h ngày 22/7.
Nghệ An có 23 hồ chứa thủy điện đang vận hành khai thác. Trong đó, có 8 hồ chứa đang thực hiện vận hành theo quy trình vận hành liên hồ chứa trên lưu vực sông Cả, 15 hồ còn lại vận hành theo quy trình đơn hồ.
Đồn Biên phòng cửa khẩu cảng Cửa Lò – Bến Thủy tổ chức tuần tra, tuyên truyền, hướng dẫn các hộ có lồng bè nuôi thủy sản thực hiện các biện pháp ứng phó nhằm giảm thiểu thiệt hại do cơn bão số 3 gây ra (Ảnh: Lê Thạch).
Riêng hồ thủy điện Bản Vẽ hiện ở cao trình 188,33/200 (ứng với dung tích khoảng 1,35/1,83 tỷ m³). Các hồ chứa thủy điện đang vận hành bình thường theo đúng quy trình đã được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt.
Trong thời gian vừa qua, Nghệ An đã xảy ra mưa lớn cục bộ gây sạt lở đất tại một số địa bàn miền núi. Trong trường hợp có mưa lớn tiếp tục xảy ra, nguy cơ cao sạt lở vùng miền núi, trung du, vùng hạ du, hồ đập.
Trước tình hình này, UBND tỉnh Nghệ An đã yêu cầu các địa phương tổ chức rà soát, sẵn sàng phương án sơ tán những hộ dân ở khu vực nguy hiểm, nhất là khu vực ven biển, khu vực nguy cơ cao xảy ra sạt lở đất, lũ quét, ngập sâu đến nơi an toàn.