Trẻ nhỏ ngây thơ, suy nghĩ đơn giản, nhưng so với người lớn thì trí tưởng tượng của trẻ cực kỳ phong phú, nhất là ở giai đoạn tiểu học. Điển hình rõ ràng nhất là bé trai lớp 3 dưới đây, bài văn của nhóc tỳ tả cuộc sống hàng ngày đang trở nên viral trên các diễn đàn mạng xã hội, ai đọc cũng phải “chào thua” trước năng lực liên tưởng, tưởng tượng của cậu bé.
Cụ thể, được cô giáo giao cho bài tập làm văn với chủ đề “hãy tả về cuộc sống hàng ngày của em”, không một chút giấu diếm, nghĩ sao thì nói vậy, cậu học sinh lớp 3 này đã thẳng thắn chia sẻ một cách vô cùng chi tiết về cuộc sống bản thân.
Bài viết có nội dung như sau: “Cuộc sống hằng ngày của em áp lực lắm, nó như một bộ phim Tây Du Ký và em là người đóng vai Ngộ Không với muôn vàn kiếp nạn. Buổi sáng lúc ở nhà là ba mẹ sẽ đọc thần chú đánh thức em dậy em rất là mệt mỏi.
Còn ở lớp thì y như cái động bàng tơ của mấy con yêu quái. Đặc biệt ở đây có một con Nữ Chúa. Nó là động chủ của cái động này. Nó hung dữ lắm, ai mà đụng đến nó là nó sẽ mời phụ huynh của người đó. Nó còn biết đọc thần chú nữa cơ, lúc nó đọc thần chú đến hết tiết học luôn. Hôm kia nó còn lấy pháp bảo ra để thu phục em nữa. Em sợ lắm, em chỉ mong mình mau lấy được chân kinh để trải qua hết kiếp nạn”.
Bài văn 1 điểm khiến cộng đồng mạng “dở khóc dở cười” của một cậu nhóc học lớp 3.
Sau khi bài văn này đến tay cô giáo, ngay lập tức nhóc tỳ đã ăn trọn “cây gậy” 1 điểm tròn trĩnh, không những thế mà còn phải trải qua “kiếp nạn” bị mời phụ huynh. Cộng đồng mạng đọc tác phẩm “bá đạo” của nhóc tỳ mà ai nấy cũng cười nghiêng ngả. Chẳng biết mức độ thực hư của bài văn nhưng dân tình đều đoán rằng, cô giáo có lẽ sẽ tức đỏ cả mặt khi được học sinh “ưu ái” đưa hẳn vào bài làm nhân vật chính theo cách “độc nhất vô nhị” thế này. Không biết cuộc họp phụ huynh rồi sẽ dẫn đến kết quả ra sao, nhưng nhóc tỳ chắc sẽ khó mà qua ải của bố mẹ.
Thực tế như đã nói trên, suy nghĩ của người lớn thường rất phức tạp nhưng trẻ nhỏ lại vô cùng đơn giản và non nớt. Chính vì thế, trẻ sẽ có thể nghĩ ra rất nhiều những câu chuyện với trí tưởng tượng vô cùng phong phú của mình mà đến cô giáo, bố mẹ cũng không thể ngờ được.
Vấn đề này về cơ bản cũng không đáng lo ngại bởi nó sẽ giúp phát triển trí thông minh, óc sáng tạo của trẻ một cách tốt đẹp hơn nên bố mẹ đừng quá lo lắng. Tuy nhiên, đối với các trường hợp đặc biệt như tình huống trên, bố mẹ cũng cần giải thích cho con hiểu, cặn kẽ hơn vấn đề giới hạn của sự sáng tạo, tưởng tượng trong khuôn khổ lịch sự, tôn trọng giáo viên để tránh sai sót.
Ngoài ra, để phát huy trí tưởng tượng phong phú, khuyến khích con sáng tạo và vận não ra những điều mới lạ, các bậc cha mẹ cũng có thể áp dụng một số cách sau:
1. Kể nối một câu chuyện
Kể chuyện, đọc sách cùng con không chỉ gia tăng kiến thức mà còn giúp kích thích trí tưởng tượng của trẻ. Thường khi cùng con đọc truyện hay kể một câu chuyện cổ tích cho con nghe, các bà mẹ chỉ nên kể nửa chừng, sau đó để con tưởng tượng đến sự kết thúc của câu chuyện. Đôi khi, những đứa trẻ nghĩ ra cái kết còn hay và thú vị hơn cả “bản chính”.
2. Vẽ hình và tranh nối
Vẽ tiếp vào một bức tranh đang dở dang, để cho con hoàn thành nốt bức tranh mẹ vẽ sẵn cũng là cách hay. Ví dụ, trên một tờ giấy trắng, mẹ sẽ vẽ vào đó một hình tròn hoặc chữ nhật…nhiệm vụ của con sẽ là phát triển để hoàn thành một bức tranh. Đôi khi mẹ cho con chủ đề và nội dung theo quy định, đôi khi không. Cả hai cách này đều có thể truyền cảm hứng cho suy nghĩ của trẻ em và cả trí tưởng tượng không gian.
3. Nghe nhạc
Mẹ cho con nghe một bài hát, sau đó hỏi con nếu bé làm …đạo diễn, bé sẽ cho quay video clip ca nhạc đó như thế nào, khung cảnh diễn ra ở đâu, nhân vật làm gì, đồng thời cho con vừa hát vừa diễn. Bằng cách này, trẻ em sẽ có rất nhiều cảm hứng để phát huy trí tưởng tượng, âm nhạc lại khiến người ta vui vẻ.
4. Nghĩ ra các tình huống rồi hỏi con “sẽ làm thế nào”
Hãy cung cấp cho trẻ một vấn đề, để cho trẻ nêu ra các giải pháp khác nhau, mẹ sẽ thấy vô cùng thú vị. Chẳng hạn như “đi bộ gặp phải một vũng nước, con sẽ làm thế nào để không ướt giàu?” Câu hỏi mở như vậy, ngoài để kích thích trí tưởng tượng của trẻ, còn có thể cải thiện khả năng tư duy và khả năng giải quyết vấn đề từ bé.
5. Cho trẻ đóng vai người khác
Các trò chơi phân vai như cưỡi ngựa, bác sĩ, giáo viên… là một trong những trò chơi tuyệt vời trong việc kích thích sự tưởng tượng ở trẻ. Trẻ sẽ tưởng tượng cưỡi ngựa như thế nào, hoặc nếu trở thành một kỵ sĩ trẻ sẽ phải làm gì, nếu là bác sĩ trẻ sẽ khám cho bệnh nhân ra sao…