Mới đây, một người mẹ ở Quảng Đông, Trung Quốc đã đăng một video quay lại cảnh mẹ chồng của mình cho cháu trai 9 ngày tuổi ăn bột, đoạn video nhanh chóng gây tranh cãi trên mạng xã hội.
Trong video, có thể thấy người bà một tay ôm cháu trai, vòng tay qua cổ để bưng bát bột, tay còn lại cầm thìa xúc bột bón liên tục vào miệng cháu mới vài ngày tuổi. Đặc biệt, bát bột rất đặc, như thức ăn của những em bé hơn 1 tuổi bình thường.
Bé trai 9 ngày tuổi đã được bà cho ăn bột gạo
Bé trai 9 ngày tuổi bị bà ấn thìa bột vào miệng, bản năng khiến bé lấy lưỡi đẩy bột ra ngoài, bà nội vẫn tiếp tục vét phần bột chảy ra ở khóe miệng, tiếp tục nhét vào miệng cháu. Có thể thấy, bà rất kiên nhẫn, vừa bón cho cháu vừa nựng “Mẹ con không đủ sữa, cho ăn sữa ngoài không chắc dạ, con ăn bột cho no để ngủ ngon nhé”.
Theo lời người bà trong video, bà có 3 người con đều lớn lên bằng cách nuôi như vậy, cho ăn bột từ khi mới được vài ngày tuổi, ở nơi bà sinh sống, hầu như người mẹ nào cũng nuôi con theo kiểu như vậy.
Đoạn video này sau khi được đăng tải lên Douyin nhanh chóng thu hút hàng triệu lượt xem cùng hàng trăm nghìn bình luận đến từ cư dân mạng.
“Không hiểu bà nghĩ gì nữa, cháu mới vài ngày tuổi đã bắt cháu ăn bột gạo, ăn sớm như vậy không hề tốt cho đứa trẻ, có nguy cơ sặc bột, tắc thở bất cứ lúc nào”, một dân mạng bình luận.
“Bà ơi, lấy kiến thức của người cũ để nuôi trẻ con thời hiện đại là một sai lầm đấy bà ơi!”.
“Quá thiếu hiểu biết bà nội ạ, ngày xưa là ngày xưa, cho cháu ăn bột gạo để tiết kiệm tiền, tôi thật sự rất dị ứng với cách nuôi con kiểu như vậy”, người khác bức xúc viết.
Không chỉ riêng người bà trong video này mà rất nhiều người bà, người mẹ khác thiếu hiểu biết áp dụng cách nuôi con từ thời xưa vào trẻ em hiện đại. Sự thiếu hiểu biết này có thể gây hại cho trẻ. Nếu thấy người lớn tuổi chăm con theo những kiểu này, mẹ tuyệt đối phải ngăn cản ngay lập tức, không thể đứng “làm ngơ mù quáng”:
1. Cho trẻ uống nước trước 6 tháng tuổi
Sữa mẹ có đến hơn 90% là nước nên trẻ không hề bị khát khi bú sữa mẹ. Nếu bà hay người lớn cho trẻ dưới 6 tháng uống nước, mẹ nên can ngăn ngay lập tức. Vì trẻ uống nhiều nước sẽ không chịu uống sữa mẹ, ảnh hưởng đến sự hấp thụ dinh dưỡng của trẻ.
Việc người lớn chấm mút đũa thìa thức ăn rồi cho vào miệng trẻ cũng là điều không nên
2. Cho trẻ ăn dặm quá sớm
Không nên vội vàng cho trẻ ăn dặm trước 6 tháng, ăn dặm sớm có thể làm hỏng dạ dày nơn nớt của trẻ, làm tăng nguy cơ bị dị ứng, làm hệ tiêu hóa phải làm việc quá sức ở lứa tuổi trẻ còn quá nhỏ. Nếu không có trường hợp đặc biệt nào, nên cho trẻ bắt đầu ăn dặm từ 6 tháng, bắt đầu từ thức ăn nhỏ, loãng và đặc lên dần dần.
3. Cho muối vào đồ ăn của trẻ
Khi chế biến đồ ăn dặm cho trẻ, đối với trẻ nhỏ hơn 1 tuổi không nên cho gia vị, muối vào. Sau 1 tuổi có thể cho một chút, cụ thể vài hạt nhỏ để tăng tính hấp dẫn của đồ ăn. Cho trẻ ăn muối trước 1 tuổi có thể làm hại thận, không tốt cho sự phát triển của trẻ.
Cách cho cháu ăn như này hoàn toàn phản khoa học
4. Giảm lượng sữa của trẻ sau khi ăn dặm
Nhiều bà mẹ cho rằng, con ăn dặm sẽ cao lớn hơn, đủ chất dimh dưỡng hơn nên sau ăn dặm 6 tháng mẹ bắt đầu tính đến việc giảm lượng sữa của con. Tuy nhiên, điều này hoàn toàn không đúng, vì thức ăn chủ yếu của trẻ trước 1 tuổi chính là sữa, khi giảm lượng sữa, cả kể lúc trẻ đã ăn dặm sẽ ảnh hưởng đến sự phát triển chiều cao, trí tuệ của trẻ và cũng tăng thêm gánh nặng tiêu hóa cho trẻ.
Mẹ chính là người chịu trách nhiệm đầu tiên trong việc nuôi dạy con, mỗi người mẹ nên tự trang bị cho mình những kiến thức, nuôi con khỏe mạnh đúng khoa học luôn là cách nuôi dạy toàn diện nhất.
BẢO CHI – DỊCH TỪ ZHIHU
Nguồn: https://phunuphapluat.nguoiduatin.vn/ba-noi-cho-chau-trai-9-ngay-tuoi-an-bot-gao-con-dau-them-bat-luc-vi-cau-noi-cua-me-chong-a593284.html
Tổng hợp: https://eva.vn/nuoi-con/ba-noi-cho-chau-trai-9-ngay-tuoi-an-bot-gao-con-dau-them-bat-luc-vi-cau-noi-cua-me-chong-c13a559338.html?fbclid=IwAR27EpR60Gdd5UzD9YMfsZxSR5tTELgsp3naWthaBtiQKwrEX0-22NfN2qE