Quê nhà ở tận Hà Tĩnh, nhưng Tuấn (23 tuổi) bị khiếm thị vẫn lặn lội vào Sài Gòn học tập, đi làm kiếm tiền phụ cha mẹ nuôi em ăn học.
Dù bị khiếm khuyết về đôi mắt, thế nhưng, cậu thanh niên 23 tuổi quê ở Hà Tĩnh vẫn quyết tự lực tâm kiếm tiền, mong gia đình bớt gánh nặng. Câu chuyện cảm động về chàng trai trẻ khiếm thị này đang nhận được nhiều sự quan tâm, chú ý của dư luận. Được biết, cậu là Trương Quốc Tuấn, sinh năm 1998, tại huyện Thạch Hà, tỉnh Hà Tĩnh. Không may mắn như bao người, khi sinh ra, Tuấn đã bị khiếm thị. Trước đây, khi còn ở quê nhà, Tuấn làm nghề massage bấm huyệt, cái nghề mà cậu học được từ một trường khiếm thị trong tỉnh.
Tuy nhiên, sau một thời gian hành nghề không lâu, Tuấn cảm thấy không phù hợp với nó. Trên hành trình đi tìm hạnh phúc, tìm những việc khiến mình yêu thích, sẵn lòng, anh đã không ngần ngại từ bỏ cái nghề có thể được coi là giúp anh trang trải cuộc sống. Anh rời quê vào Sài Gòn kiếm sống.Cơ duyên đưa anh đến thành phố hoa lệ này là nhờ sự giới thiệu của một người bạn cùng khiếm khuyết như minh. Tuy nhớ nhà, nhưng vì cuộc sống mưu sinh và trách nhiệm với gia đình, Tuấn vẫn quyết tâm bám trụ.
“Ở ngoài quê cuộc sống rất là khó khăn, ở trong này dễ kiếm sống hơn”, Tuấn thật thà tâm sự trên báo Đất Việt.Những ngày đầu quyết tâm vào Nam, bất chấp sự lo lắng và ngăn cản của cha mẹ, Tuấn vẫn kiên định. Bởi trong thâm tâm của chàng trai trẻ, cậu biết đây là một sự lựa chọn đúng đắn, cũng có thể là lựa chọn duy nhất để mình cảm nhận được hương vị của cuộc sống và giúp ích cho gia đình.
Khi được hỏi về ước mơ, Tuấn cười hiền, nói: “Mình cũng chẳng bao giờ thấy buồn phiền gì, vì từ nhỏ mình đã bị như vậy nên cũng quen rồi. Ước gì mình được sáng mắt như người bình thường.Hiện, Tuấn đang tá túc tại một phòng trọ ở quận 9 cùng bạn. Hàng ngày, Tuấn mua từ người quen chừng mười mấy bịch đậu phộng, rồi nhờ bạn sắp xếp gọn gàng, tự mình bắt grab ra chỗ bán tại còng xoay Linh Đông, Thủ Đức. “Ngày nắng ráo sau khi trừ chi phí ăn uống, sinh hoạt Tuấn cũng để dành được 100 đến 130 ngàn. So với những lao động bình thường, mức tích lũy này không lớn, nhưng với những người khuyết tật như Tuấn là một con số rất đáng kể”, một bài đăng trên mạng xã hội nói về anh chàng.
Thông cảm trước hoàn cảnh của Tuấn, nhiều người qua đường cũng thường mua giúp ủng hộ.
“Mình cũng không giúp được gì nhiều cho gia đình đâu, nhưng mình nghĩ, mình đi làm sẽ giảm bớt phần nào gánh nặng cho ba mẹ, ở ngoài quê ba mẹ phải chăm sóc mình, và thêm em trai nữa. Nhưng vào Sài Gòn như thế này, mình có thể tự trang trải sinh hoạt cho mình, còn dư một chút thì gom đấy, Tết về biếu ba mẹ cho vui”, Tuấn trải lòng.