Theo trang Phật giáo, xem xong bức tranh dễ thương ấy, tôi hình dung về một gia đình mà cả nhà đồng tâm – cùng một ý với ước nguyện ăn chay, để tránh việc vay mượn mạng sống loài khác làm thực phẩm nuôi mình.
Rõ ràng, trong việc chọn lựa ăn chay đó đã có tuệ giác thấy được việc ăn mặn là trực tiếp hoặc gián tiếp đưa tới sự sát hại sinh mạng chúng sanh. Trong ý thức đó, lòng từ bi trở nên thấm đẫm từ nếp nghĩ của người mẹ – “má muốn gia đình ta ăn chay lâu rồi” và cái thấy của người con – “Con thấy tội lỗi quá, lấy mạng sống người ta mà nuôi mình”.
Ở phương diện thực tập lòng từ bi thì để thấy được, làm được điều đã kể trên, như câu chuyện đầy sức gợi của bức tranh (nhưng cũng là phảng phất của nhiều gia đình nơi đời thật, ở đó đây) trong ý nghĩa khuyến khích ăn chay trường là cả một sự chuyển hóa tốt đẹp.
Người học Phật thấy việc làm của gia đình này sẽ tán thán rằng: cả nhà này có phước quá, ai cũng biết tu. Nhưng, rất có thể, trong mắt nhìn bình thường của đông đảo người khác sẽ thấy rằng, gia đình này từ nay không còn được thưởng thức sơn hào hải vị, thật tội nghiệp.
Hoặc, có người sẽ quở rằng, nhà nào cũng vậy thì chăn nuôi, đánh bắt… sẽ không còn “đất” sống, kinh tế sẽ trì trệ. Đó là cách lý luận chống chế, khi lòng mình còn chưa dứt sạch được sở thích ăn thịt chúng sanh, khi mình chưa thể ăn chay vì nhiều nguyên do khách quan, chủ quan…
Lẽ ra, thay vì nói thế thì mình có thể phát nguyện, tới lúc nào đó cho con được ăn chay, nuôi dưỡng lòng từ (tất nhiên, nuôi dưỡng lòng từ ngoài việc ăn chay còn nhiều cách khác, như cứu người, giúp đời, bớt tham sân si).