Hàng năm, vào ngày 23 tháng Chạp, gia đình Việt thường làm mâm cơm cúng để đưa tiễn Táo Quân lên chầu trời. Theo quan niệm của người Việt, Táo quân không chỉ là vị thần cai quản mọi hoạt động của gia chủ mà còn là vị thần giữ bình yên cho gia đình gia chủ. Vì vậy, tục cúng ông Táo mang ý nghĩa cầu mong cho sự ấm no, đầy đủ, sau đó mới đến ý nghĩa thờ “thần Bếp” chuyên cai quản việc bếp núc.
Vào ngày này, người dân làm mâm cơm để bày tỏ lòng biết ơn với các vị thần. Đồng thời, đây cũng là dịp để người người, nhà nhà sum họp, quây quần sau một năm làm ăn vất vả.
Mới đây, chị Vũ Thị Thanh Hoan (sinh năm 1990) ở Hoàng Mai, Hà Nội đã chia sẻ mâm cúng ông Công ông Táo vô cùng đầy đủ, thành tâm, các món ăn vô cùng ngon mắt khiến hội chị em phải trầm trồ, dành lời khen ngợi.
Chị Thanh Hoan chia sẻ:
“Trong tất cả các ngày lễ, Tết mình rất mong chờ ngày Tết Táo Quân. Đây không chỉ là ngày lễ truyền thống quan trọng hàng năm của người Việt mà còn là ngày đầu tiên bắt đầu tuần lễ Tết Nguyên Đán (Festival âm lịch) nữa.
Năm nào cũng vậy, vào ngày này mình sẽ chuẩn bị một mâm cúng chỉn chu, tươm tất để báo cáo với Thần linh, gia tiên, và đặc biệt là Ông Công ông Táo về một năm qua. Sau đó, sẽ đi thả cá chép ở sông, gửi gắm những mong muốn của mình vào đó để cá chép làm phương tiện đưa Táo Quân lên chầu trời, báo cáo những sự việc xảy ra trong năm cũ và nhờ Táo Quân xin với Ngọc Hoàng Thượng Đế cho năm tới sức khoẻ, bình an đến với cả gia đình“.
Theo đó, mâm cỗ cúng ông Công ông Táo của mẹ đảm bao gồm các món như: Canh bóng thập cẩm, giò xào, nem rán, bò sốt tiêu đen kèm bánh bao, bánh chưng, gà rang muối, tôm hấp nước dừa, xôi gấc hình cá chép, hoa quả.
Chị Thanh Hoan cũng không quên chia sẻ công thức một số món nổi bật như: gà rang muối, tôm hấp nước dừa, bò sốt tiêu đen.
Cách thực hiện món gà rang muối: Mua nửa con gà chặt miếng vừa ăn, rửa sạch với muối, để ráo. Sau đó ướp 2 thìa hạt nêm, hạt tiêu, 1 lòng đỏ trứng trong 30 phút. Sau đó cho bột chiên giòn đảo đều rồi chiên ngập trong dầu. Để ráo mỡ rồi trộn với gói muối dành cho gà rang muối.
Với món tôm hấp nước dừa: Tôm bỏ chỉ ở sống lưng và đầu tôm. Cho nước dừa, gừng, hành khô vào nồi. Đặt xửng hấp lên trên sau đó xếp tôm vào hấp. Hấp chín xếp ra vỏ trái dừa đã lấy nước là hoàn thành.
Món thịt bò sốt tiêu đen: Thịt bò ướp với lọ ướp thịt bò của Hàn Quốc, dầu hào, dầu mè, hạt tiêu. Cho dầu vào chảo, đảo thịt cho chín cùng hành tây, sau đó cho nước ướp thịt đã ướp cùng 1 chút bột năng, cho vào chảo thịt đảo đều, rắc thêm chút hạt tiêu.
Được biết, chị Thanh Hoan đã thực hiện mâm cỗ này hết 2 giờ đồng hồ, với chi phí gần 1 triệu đồng. Với món ăn cần nhiều thời gian như nem thì chị làm từ hôm trước.
Mâm cỗ mà chị Hoan thực hiện vô cùng đầy đủ, tươm tất, chu đáo và đẹp mắt:
Mâm cỗ của chị Thanh Hoan nhận được rất nhiều sự quan tâm từ mọi người, nhiều chị em trầm trồ: “Vừa ngon vừa chỉn chu, xinh xắn quá ạ”; “Ôi đẹp quá, đúng chuẩn dâu đảm, mâm cỗ đẹp và bắt mắt quá”; “Mâm cỗ đủ đầy và ngon mắt lắm ạ“…
Cảm ơn chị Thanh Hoan đã chia sẻ mâm cúng ông Công ông Táo của gia đình. Chúc các bạn thực hiện thành công!